>> Hạ thủy tàu vỏ thép đầu tiên tại Hà Tĩnh
Con tàu vỏ thép đầu tiên của Hà Tĩnh vừa hoàn thành chuyến biển mở đầu với kết quả thắng lợi
Hải trình mới, ngư trường mới
8h sáng 10/7/2016 là một ngày đặc biệt không chỉ với ngư dân Xuân Hội (Nghi Xuân) mà còn cả tỉnh Hà Tĩnh khi đây là lần đầu tiên một con tàu vỏ thép được đóng mới theo Nghị định 67/CP/2014 của Chính phủ chính thức ra khơi. Đã có kinh nghiệm 25 năm đi biển nhưng trong lần đầu điều khiển con tàu "khủng" trị giá những 13 tỷ đồng, anh Nguyễn Lưu Truyền - ngư dân xóm Hội Thủy, xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, không khỏi hồi hộp lẫn chút lo âu trước sự hiện đại của con tàu.
"Tuyệt vời, từ hệ thống lái thủy lực 3 cấp (vô lăng, lái tay trạng, nút lái trái phải) cho đến hệ thống Rada, thiết bị định vị, định dạng, Icom xuyên lục địa, la bàn; tất cả đều hiện đại, đảm bảo tiện ích và an toàn cho người điều khiển", anh Truyền tự hào khi được làm chủ con tàu vỏ thép trong hải trình 12 tiếng cả đi lẫn về ở ngư trường vùng khơi Thanh Hóa - Nghệ An, nơi cách bờ gần 70 hải lý.
Anh Truyền giới thiệu các tính năng mới trên con tàu hiện đại trị giá 13 tỷ đồng
Anh Truyền cho biết, trong dự tính ban đầu, tàu sẽ ra vùng biển Vịnh Bắc Bộ ở vĩ tuyến 170- 180, cách bờ khoảng 120 hải lý, nhưng do quá trình chuẩn bị ra khơi, tàu có cải tiến một số thiết bị từ cẩu sắt sang cẩu inox, dây cáp sắt sang dây bo Thái... nên anh em xác định đây như là chuyến kiểm nghiệm máy móc lẫn ngư cụ, do đó chỉ ra đến vùng khơi Thanh Hóa - Nghệ An (cách bờ gần 70 hải lý).
"Điểm quăng lưới đầu tiên của tàu là khi cách bờ chừng 40 hải lý với hải sản chủ yếu là cá thu và cá ngừ. Chưa thỏa mãn với ngư trường vốn đánh bắt lâu nay, tàu tiếp tục thẳng lái ra khơi và tiến hành quăng lưới 6 lần, cất về hơn 8 tạ cá thu, một ít cá nhám và cá ngừ. Tính chung, chuyến này, tàu thu hơn 150 triệu cũng là khá rồi", ông chủ tàu vừa bước qua tuổi 40 chia sẻ.
Thuyền viên kỳ cựu trên con tàu vỏ thép đầu tiên của Hà Tĩnh - ông Nguyễn Văn Tuyên (SN 1963) nói thêm, làm nghề từ năm 18 tuổi, đến nay không biết bao nhiêu chuyến vào lộng ra khơi nhưng được "chinh chiến" trên con tàu hiện đại như "Tây" này thật không gì sướng bằng. Hồi trước, đi tàu vỏ gỗ ra đó (vùng khơi Thanh Hóa - Nghệ An) mất cỡ 12 giờ đồng hồ thì nay rút còn một nửa. Giá có thêm cái máy dò cá như các bạn tàu Thanh Hóa, Nghệ An nữa thì 10 anh em đội tàu chúng tôi "ngon hết xẩy".
Đang cao hứng, ông Tuyên bỗng chùng xuống khi nghĩ về con thuyền nhỏ 15CV của mình đã đắp chiếu gần 2 tháng nay bởi sự cố môi trường biển Vũng Áng khiến "nó" - dù cách xa Formosa hơn 100 cây số - vẫn phải nằm bờ. "Trước sáng đi chiều về, đánh ba con ốc, con cua, con ghẹ, ngày trúng có khi dăm ba triệu, bình bình cỡ bảy tám trăm ngàn đồng nhưng nay... Thấy thằng Truyền đang cần người, mình tạm qua giúp nó ổn định "bộ khung", mai mốt nhường lại cho tụi thanh niên to khỏe", người thuyền viên già bộc bạch.
Phút nghỉ ngơi, trao đổi kinh nghiệm sau chuyến xa khơi đầu tiên
Nối dài khát vọng xa khơi
"Nhận tin tàu về lại bến vào tối 16/7, tôi vui mà không ngủ được; chỉ mong đến sáng để xuống chia vui cùng ngư dân. Đây là tín hiệu vui mới của ngư dân Xuân Hội, ngư dân Nghi Xuân và đông đảo ngư dân Hà Tĩnh", ông Nguyễn Hải Nam - Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân bày tỏ.
Chỉnh lý thiết bị tàu sau một chuyến biển
Người đứng đầu chính quyền huyện cũng cho hay, Nghi Xuân có 10 xã bãi ngang ven biển với khoảng 950 tàu cá các loại, trong đó có khoảng 34 chiếc thường đánh bắt xa bờ. Với gần 8.000 người dân Nghi Xuân trực tiếp tham gia đánh bắt, khai thác thủy hải sản nên có thể nói, sự cố môi trường biển vừa qua đã tác động không nhỏ đến đời sống ngư dân. Trước tình hình đó, huyện đã chủ động xây dựng các giải pháp chuyển đổi nghề cho ngư dân, trước hết là động viên bà con cải hoán, đóng mới tàu xa bờ. Ngoài việc hỗ trợ 10 hộ dân đăng ký đóng mới tàu vỏ thép theo Nghị định 67/CP/2014 của Chính phủ (2 chiếc đã hạ thủy), huyện cũng ban hành chính sách hỗ trợ 100 triệu đồng trong 2 năm đối với tàu đóng mới có công suất từ 250CV trở lên và 150 triệu đồng trong 2 năm đối với tàu có công suất 400 CV trở lên.
"Sau khi hoàn thành việc đóng mới tàu vỏ thép, huyện sẽ chỉ đạo cơ quan liên quan hướng dẫn ngư dân thành lập tổ đội đánh bắt trên biển (mỗi tổ khoảng 3 tàu) để hỗ trợ nhau trong quá trình đánh bắt, tiếp nhiên liệu, vận chuyển sản phẩm vào bờ nhằm giảm thời gian, chi phí nhiên liệu", ông Nam chia sẻ.
Xếp lưới vào ta chuẩn bị ra khơi
Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cũng cho biết, huyện cũng tính toán để khôi phục các ngành nghề truyền thống như: nghề làm nón phục vụ khách du lịch ở Cương Gian, nghề làm đồ lưu niệm bằng đất nung ở Cổ Đạm; đồng thời du nhập một số nghề mới như: làm tăm tre, móc áo, đan chổi... "Hộ nào đủ điều kiện phát triển tàu lớn ra khơi thì phải khuyến khích hỗ trợ kịp thời, ngược lại đây cũng là lúc để chúng ta tái cơ cấu nghề biển", nói đoạn, Chủ tịch Nam nhìn lên lá cờ phấp phới trên con tàu vỏ thép đầu tiên của Hà Tĩnh mang số hiệu HT 96716 TS.
Chủ tàu Nguyễn Lưu Truyền cho biết, sau chuyến mở màn này, anh em nghỉ khoảng 3 ngày để tiếp tục chỉnh lý một vài chi tiết thì lại khơi tiếp. "Chuyến tới, tàu dự kiến bám biển từ 15 - 20 ngày và thẳng Vịnh Bắc bộ. Nhà nước "nâng đời" cho bọn em lên gần 829CV thế này mà không ra vùng đánh cá chung chẳng phải ngư dân đã phụ lòng sao. Các bạn thuyền ơi, hãy ra khơi cùng chúng tôi nào!".