1. Vai trò của vitamin C với sức khỏe làn da
Vitamin C được tìm thấy với hàm lượng cao trong cả lớp hạ bì và biểu bì. Quá trình lão hóa gây ra sự suy giảm hàm lượng vitamin C ở cả lớp biểu bì và hạ bì. Khi tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím hoặc các chất ô nhiễm cũng có thể làm giảm hàm lượng vitamin C, chủ yếu ở lớp biểu bì. Với các đặc tính của mình, vitamin C có nhiều vai trò đối với sức khỏe làn da:
Phòng ngừa nếp nhăn: Với tính chống oxy hóa và khả năng điều chỉnh quá trình tổng hợp các protein collagen đóng vai trò làm cấu trúc, vitamin C đóng góp vai trò giúp lớp biểu bì được duy trì và tăng cường tính đàn hồi. Từ đó giúp phòng ngừa hoặc làm mờ nếp nhăn.
Mau lành vết thương: Vitamin C có thể hạn chế tác hại của các gốc tự do, thúc đẩy vết thương mau lành. Như trên đã nêu, vitamin C là một thành phần của quá trình tổng hợp collagen ở da, nên nó giúp kích thích sự hình thành của hàng rào biểu bì và cách thúc đẩy sự biệt hóa của tế bào sừng, từ đó giúp da mau lành nếu có tổn thương.
Cải thiện độ ẩm cho da: Chế độ ăn nhiều vitamin C sẽ giúp giảm nguy cơ khô da, do acid ascorbic (vitamin C) có thể giúp ngăn sự mất nước xuyên biểu bì.
Vitamin C đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe làn da.
2. Cách nào dùng vitamin C hiệu quả?
Nếu những hoạt chất khác chỉ tác động ở lớp biểu bì, thì vitamin C cùng với retinol và peptide là 3 hoạt chất có thể đi vào tới trung bì giúp kích thích tổng hợp collagen, chống oxy hóa.
Vitamin C có thể dùng cả sáng và tối. Khi ra nắng, da dễ sản sinh gốc tự do và đỏ rát. Lúc này vitamin C sẽ giúp giảm đỏ da, chống gốc tự do, giảm tổng hợp melanin là nguyên nhân thâm nám sạm. Tuy nhiên cần phải kết hợp vitamin C với kem chống nắng để hiệu quả bảo vệ da cao hơn. Vào buổi tối, có thể dùng vitamin C để tăng khả năng phục hồi da do những ảnh hưởng xấu của ban ngày.
Trong quá trình chăm sóc da, nếu muốn kết hợp vitamin C với các hoạt chất khác như AHA, BHA, retinoid và niacinamide thì cần chú ý đến các tiêu chí nồng độ và thời gian dãn cách giữa hai hoạt chất. Cụ thể:
- Nếu kết hợp với với AHA: Nên dùng từ nồng độ AHA 8% trở xuống. Sau khi thoa AHA, cần đợi da khô ráo để hạn chế khả năng kích ứng, sau đó có thể thoa tiếp vitamin C.
- Nếu kết hợp với BHA : Đây là 2 hoạt chất thông thường không nên sử dụng cùng nhau trong một chu trình chăm sóc da. Vì vitamin C tan trong nước còn BHA tan trong dầu, nên cách dùng sẽ khác nhau. Nếu cần thiết phải sử dụng cả 2 hoạt chất này thì lưu ý nên BHA thoa ở vùng mụn đầu đen nhiều (như cánh mũi, vùng chữ T), còn vitamin C thoa ở vùng chữ U. Tốt nhất là nên dùng cách ngày.
- Nếu kết hợp với BHA với retinol, tretinoin để chống lão hóa hay adapalene để trị mụn trứng cá, thì cần dùng xen kẽ cách ngày. Ví dụ các buổi tối 2,4,6 dùng vitamin C, còn các hoạt chất khác thì dùng các buổi tối 3,5,7.
Riêng với retinol, nếu bạn có làn da thật mạnh khỏe, thì có thể kết hợp cùng ngày, nhưng lưu ý thoa vitamin C trước retinol sau.
Với niacinamide, trong cùng một chu trình chăm sóc da thì dùng vitamin C trước, 15-20 phút sau mới sau thoa niacinamide. Tốt nhất là có thể chia ra buổi sáng dùng vitamin C và buổi tối dùng niacinamide.
Sau khi mở nắp, vitamin C có hạn sử dụng thường là ba tháng. Sau thời gian này không nên dùng chai/lọ vitamin C đã mở hộp nữa. Vì vitamin C rất dễ bị oxy hóa khi tiếp xúc với không khí, hơi nước, ánh sáng nhiệt độ cao, để lâu sẽ khiến sản phẩm bị oxy hóa.
Vitamin C có thể giúp ngăn ngừa lão hóa, xóa mờ nếp nhăn.
Chọn vitamin C phù hợp loại da: Mặc dù vitamin C phù hợp với mọi loại da, nhưng da dầu mụn nên dùng vitamin C gốc nước. Nếu dùng gốc dầu sẽ gây bí da, bít tắc lỗ chân lông. Với người có da thường hoặc da khô có thể dùng vitamin C loại nào cũng được.
Nếu mới tập sử dụng, thì nên bắt đầu với nồng độ 10% trở xuống để cải thiện da xỉn màu, thâm nhẹ như tàn nhang hoặc đốm nâu không quá lớn. Nồng độ từ 15% trở lên phù hợp với da khỏe, ít mụn và không nhạy cảm, trị thâm nám, dưỡng sáng và cải thiện nếp nhăn. Nồng độ vitamin C càng cao, đòi hỏi da càng phải khỏe để hạn chế kích ứng.