Video: Mô hình lan hồ điệp công nghệ cao đầu tiên ở Hà Tĩnh.
Lan hồ điệp là loại hoa cao cấp có giá trị thẩm mỹ và giá trị kinh tế cao. Hiện nay, sản phẩm này có sức tiêu thụ lớn, giá bán cao giúp mang lại nguồn lợi kinh tế. Nhận thấy nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm hoa lan cao cấp, tháng 3/2022, anh Phạm Văn Huy (thôn Thanh Lan, xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà) bắt tay xây dựng mô hình.
Trên diện tích hơn 2.500 m2 , anh đầu tư hơn 10 tỷ đồng để cải tạo, san lấp mặt bằng, xây dựng và lắp đặt nhà kính (với 5 lớp: cách nhiệt, giữ nhiệt, cắt nắng, ni-lông); ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại như: hệ thống cảm biến tự động nhiệt độ, ánh sáng tự động; hệ thống quạt đảo gió; máy điều hòa công nghiệp; tường nước.
Nhiệt độ trong nhà kính duy trì ở mức từ 25 - 270C ban đêm và dưới 29 - 310C ban ngày. Trong ảnh: Bảng nhiệt độ trong nhà giúp cán bộ kỹ thuật theo dõi hằng ngày.
Sau khi hoàn thành các hạng mục cơ sở vật chất, anh Huy đã tiến hành trồng 7 vạn cây hoa lan với 20 màu sắc khác nhau nhằm tạo sự phong phú, đa dạng đáp ứng những sở thích riêng của khách hàng.
Cây giống sau khi nhập về được công nhân tiến hành thay chậu nhằm tạo môi trường sinh trưởng và phòng trừ sâu bệnh.
Các cây con (bao gồm cả giá thể) được lấy ra khỏi bầu, dùng giá thể bọc kín rễ rồi đặt nhẹ vào chậu nhựa, đảm bảo bầu không được chặt và cũng không lỏng quá để thoát nước tốt, giá thể cách mép trên của chậu khoảng 1 cm.
Để phát triển mô hình trồng lan công nghệ cao, anh Huy phải mất 2 năm học hỏi công nghệ, trau dồi kỹ thuật, kinh nghiệm. Quy trình khép kín, từ nhiệt độ, ánh sáng đến việc chăm sóc, tưới nước cho lan… đều được anh đầu tư bài bản, khoa học, thực hiện tỉ mỉ, chỉn chu, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật cao. Trong ảnh: Công nhân sắp xếp khay cây con vào giàn theo mật độ thích hợp.
Hệ thống nước tưới của hoa lan phải đảm bảo tiêu chuẩn RO (tức là nước đã được lọc trong sạch, tinh khiết và an toàn).
Chia sẻ về sự khác biệt của mô hình trồng lan công nghệ cao, anh Huy cho biết: “Thực tế, hoa lan hồ điệp đòi hỏi yêu cầu nghiêm ngặt về độ ẩm, ánh sáng; quy trình chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh; thời điểm sốc nhiệt, phân hóa mầm hoa;... Tại đây, chúng tôi trồng lan trong nhà kính, có hệ thống quan trắc. Con người thiết lập được thông số nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng; hệ thống sẽ tự động điều chỉnh. Từ đó giúp cây phát triển tốt và có điều khiển để hoa ra theo ý muốn”.
Lan hồ điệp từ khi cấy mô đến lúc nở hoa phải mất khoảng 24 tháng. Vì thế, để có hoa bán vào đúng dịp tết, lễ, anh Huy phải tiến hành xây dựng nhiều dãy nhà trồng gối với nhiều thời vụ theo tỉ lệ thời gian khác nhau. Loạt cây lớn thu hoạch bán hết lại gối cây nhỏ vào, đảm bảo lúc nào cũng có lan bán vào thời điểm cần thiết theo ý muốn.
Sau hơn 3 tháng, nhờ đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, cây lan của anh sinh trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao, đạt trên 99%. Từ 7 tháng tiếp theo, cây bước vào thời điểm kích bông.
Việc ứng dụng công nghệ cao không những giúp vườn lan của anh Huy chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, hạn chế sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu đồng thời giúp giảm chi phí nhân công lao động, từ đó hạ giá thành sản xuất. Trong ảnh: Cán bộ kỹ thuật trao đổi với công nhân về cách nhận biết sâu bệnh hại.
Hiện tại, mặc dù diện tích vườn trồng lớn nhưng vườn lan của anh Huy chỉ duy trì 4 lao động thường xuyên và 15 lao động thời vụ. Tại đây, nhân công có nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra nhiệt độ tại khu nhà màng, nhà lưới.
Anh Huy cho rằng, nhu cầu chơi hoa lan hồ điệp còn rất lớn, Việt Nam mới cung cấp được cho thị trường từ 20 - 30%, còn lại vẫn phải nhập từ Trung Quốc, Đài Loan. Chính vì vậy, việc phát triển loại cây này song song với ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật sẽ đón được thị trường rộng mở và cho hiệu quả kinh tế cao.
Tết Nguyên đán 2024, cơ sở sẽ xuất bán lứa đầu tiên. Dự kiến, anh Huy sẽ tiến hành thu hoạch hơn 6,65 vạn cây, giá bán trung bình từ 120 - 130.000 đồng/cây. Tính ra doanh thu đạt gần 8 tỷ đồng.
Mô hình trồng lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao của anh Phạm Văn Huy là mô hình đầu tiên trên toàn tỉnh, mở ra hướng đi mới, đáp ứng nhu cầu về sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững trong tương lai. Đây cũng chính là điểm nhấn của kinh tế địa phương, giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Mô hình đang ở bước đầu nhưng kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả cao khi được đầu tư bài bản, áp dụng tốt các quy trình kỹ thuật và thị trường tiêu thụ nhiều tiềm năng.