Bàn thờ danh tướng Cao Thắng tại nhà thờ Cao Thắng (xã Sơn Lễ).
Nhà thờ Cao Thắng tại thôn Cao Thắng, xã Sơn Lễ là nơi thờ tự danh tướng Cao Thắng (1864 - 1893) - trợ thủ đắc lực của chí sỹ Phan Đình Phùng và là người chỉ huy xuất sắc cuộc khởi nghĩa Hương Khê (1885 - 1896) trong lịch sử chống Pháp của đất nước ta cuối thế kỷ XIX.
Sau khi ông mất, để tưởng nhớ và bày tỏ biết ơn vị anh hùng của dân tộc, con cháu dòng họ Cao cùng Nhân dân địa phương đã lập nhà thờ tại quê hương.
Chiếc lư hương phần bị côn trùng làm tổ, phần hư hỏng rơi xuống bàn thờ.
Nhà thờ Cao Thắng được xây dựng vào năm 1907, nằm trên một ngọn đồi nhỏ thuộc thôn Cao Thắng và đã trải qua nhiều lần tu bổ. Nhà thờ được công nhận di tích lịch sử - văn hóa theo Quyết định số 95-QĐ/BVHTT ngày 24/1/1998 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin.
Nhiều hạng mục...
... tại nhà thờ Cao Thắng đã bị mối mọt “tấn công”.
Có ý nghĩa lịch sử quan trọng là vậy nhưng hiện nay, di tích lịch sử - văn hóa nhà thờ Cao Thắng đìu hiu, hoang tàn, thiếu bàn tay chăm sóc, dọn dẹp. Khu vực sân và hạ điện đầy lá khô; bàn thờ phủ đầy bụi, các vật dụng trên bàn thờ đổ vỡ, ngổn ngang; nhiều cột gỗ mục rỗng, ẩm mốc. Bên trong nhà thờ cũng không có bảng bia nào ghi công trạng chí sĩ họ Cao.
Cách nhà thờ Cao Thắng không xa, tại thôn Thọ Lộc (xã Sơn Lễ) là nhà thờ Lê Hầu Tạo (1791 - 1821). Ông là người khởi xướng và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân tiêu biểu ở Nghệ Tĩnh trong nửa đầu thế kỷ XIX, chống lại chế độ bóc lột hà khắc của triều đình nhà Nguyễn.
Ông đã được Nhà nước vinh danh là danh nhân văn hóa; nhà thờ và mộ Lê Hầu Tạo được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia tại Quyết định số 18/QĐ-BT vào ngày 13/2/1995 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thông tin.
Nhà thờ Lê Hầu Tạo được con cháu họ Lê chăm sóc sạch đẹp.
Là “địa chỉ đỏ”, nhà thờ Lê Hầu Tạo được con cháu dòng họ Lê chăm sóc khá chu đáo. Có sự chăm sóc thường xuyên của con cháu nên nhà thờ sạch đẹp. Tuy nhiên, đường vào nhà thờ xuống cấp nghiêm trọng, không xứng tầm là con đường dẫn vào khu di tích lịch sử quốc gia.
Hơn thế, ở đây không gắn các biển chỉ đường vào khu di tích khiến du khách muốn tìm về cũng khó khăn. Bên cạnh đó, khu mộ Lê Hầu Tạo hiện đang nằm trong khuôn viên nghĩa trang dòng họ Lê, vị trí chật hẹp.
Con đường vào nhà thờ Lê Hầu Tạo nhỏ hẹp, xuống cấp và không có bảng biển chỉ dẫn.
Ông Lê Xuân Hòa, đại diện dòng họ Lê ở xã Sơn Lễ cho biết: “Thi thoảng cũng có một số đoàn học sinh trên địa bàn Sơn Lễ đến tìm hiểu, học lịch sử địa phương tại nhà thờ Lê Hầu Tạo, tuy nhiên số lượng không nhiều.
Ngoài ra, việc khu di tích quốc gia không có biển chỉ dẫn, đường vào lại nhỏ hẹp, ít được quảng bá giới thiệu đã khiến du khách thập phương ít tìm đến. Là con cháu của cụ Lê Hầu Tạo, chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền quan tâm quảng bá, giới thiệu di tích lịch sử quốc gia để nhiều người biết đến tìm hiểu”.
Khu mộ Lê Hầu Tạo trong khuôn viên nghĩa trang họ Lê.
Ông Lê Đình Khôi - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lễ cho biết: “Nhà thờ Cao Thắng; mộ và nhà thờ Lê Hầu Tạo là hai di tích lịch sử - văn hóa quốc gia trên địa bàn xã. Các di tích này đều được bàn giao cho dòng họ chăm sóc, giữ gìn. Xã cũng thường xuyên nhắc nhở các dòng họ quan tâm dọn vệ sinh, giữ gìn di tích. Tuy nhiên, thực trạng đáng buồn là di tích nhà thờ Cao Thắng vẫn ít được chăm sóc. Bên cạnh đó, việc các di tích lịch sử không được khai thác, bảo quản cũng là nguyên nhân khiến di tích dần bị lãng quên và xuống cấp".
"Chúng tôi mong Sở VH-TT&DL, các đơn vị liên quan quan tâm bảo tồn và phát huy đúng giá trị 2 khu di tích này. Về phía xã, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo tuyên truyền, giới thiệu về 2 khu du tích để bà con nhân dân, nhất là các em học sinh hiểu và tự hào về lịch sử, truyền thống quê hương” - ông Lê Đình Khôi trao đổi thêm.