Thôn Phong Sơn (xã Yên Lộc cũ, nay là xã Khánh Vĩnh Yên) từng là địa phương được Tỉnh ủy Hà Tĩnh chọn làm nơi sơ tán trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Được xây dựng vào cuối năm 1966, đến nay Hầm Tỉnh ủy nằm trên diện tích đất vườn của gia đình bà Nguyễn Thị Liên.
Di tích Hầm Tỉnh ủy ở thôn Phong Sơn
Ông Trần Văn Sơn - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Yên Lộc cho biết: "Cuối năm 1966, Mỹ ném bom liên tục, cơ quan Tỉnh ủy Hà Tĩnh sơ tán từ xã Thạch Vĩnh cũ (nay là xã Lưu Vĩnh Sơn) về đây. Để đảm bảo an toàn, lực lượng dân quân địa phương kết hợp cùng công an vũ trang xây dựng đường hào liên lạc, hầm trú ẩn.
Hầm được xây dựng dài khoảng 170m, cao 2m, được chia thành các khu làm việc, phòng họp và khu trú ẩn.
Hầm được xây bằng bê tông cốt thép, bên ngoài đắp đất và đá kiên cố tạo thành nơi trú ẩn an toàn cho hơn 200 cán bộ, nhân viên Tỉnh ủy Hà Tĩnh. Ngoài việc nhường nhà, góp sức để xây hầm, Nhân dân Yên Lộc còn ủng hộ chè xanh, thực phẩm, giữ bí mật tuyệt đối”.
Cửa hầm bị đất đá bịt gần kín
Đến năm 1972, cơ quan Tỉnh ủy dời đi, di tích Hầm Tỉnh ủy được giữ lại, mỗi buổi trưa hè, trẻ em vào trong hầm vui đùa; dịp cuối tuần, các trường học thường tổ chức cho học sinh lên tham quan, tìm hiểu lịch sử.
Tuy nhiên, do nằm ở vùng trũng, mỗi trận mưa, đất đá theo dòng nước chảy khiến phần lớn diện tích của hầm đã bị đất đá bồi lấp, bịt gần kín, nhiều vị trí bị sập. Đến nay chiều dài của căn hầm chỉ còn khoảng 20m.
Đến nay phần lớn diện tích căn hầm đã bị đổ sập, chiều dài chỉ còn khoảng 20m.
Ông Quang cho biết thêm: “Di tích đang dần bị đất đá bồi lấp, cửa thoát hiểm bị bồi lấp hoàn toàn, cửa ra vào cũng bị bịt gần kín, không thể đi lại. Chúng tôi mong mỏi cơ quan chức năng sớm có biện pháp tu sửa, khôi phục".
Ông Lâm Văn Quyết - Bí thư Chi bộ thôn Phong Sơn thông tin: “Căn hầm là niềm tự hào của Nhân dân Phong Sơn, là chứng tích ghi dấu lòng dũng cảm, kiên cường vượt khó bảo vệ cơ quan Tỉnh ủy chu đáo và tuyệt đối an toàn trong kháng chiến chống Mỹ. Chúng tôi đã kiến nghị cấp trên khôi phục lại di tích để con cháu sau này biết lịch sử, thêm yêu và tự hào về quê hương".
Ông Lâm Văn Quyết: "Nhân dân Phong Sơn mong mỏi chính quyền địa phương sớm có phương án tu sửa di tích".
Ông Nguyễn Văn Ngọ - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Vĩnh Yên cho hay: “Trước thực trạng này, thời gian qua, chính quyền xã đã tổ chức khảo sát thực tế, họp bàn tìm giải pháp. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ triển khai huy động nguồn kinh phí, mong sao sẽ tập trung được nguồn lực để tiến hành tu sửa di tích theo nguyện vọng của Nhân dân".