Vào các dịp lễ, người dân Hà Tĩnh không khó để tìm mua các bó hoa được làm bằng tiền thật.
Vào các dịp như: Ngày lễ Tình nhân (14/2), Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10)..., người dân không khó để tìm mua các bó hoa được làm bằng tiền thật. Giá của loại hoa này dao động từ 300 nghìn đồng đến vài triệu hoặc vài chục triệu đồng.
Theo nhiều khách hàng, việc làm hoa từ tiền thật vừa đẹp vừa có giá trị kinh tế, do đó, tặng hoa từ tiền thật được nhiều người lựa chọn. Từ tâm lý này, dịch vụ làm hoa từ tiền đã nở rộ, từ các cửa hàng chuyên bán hoa đến các trang mạng xã hội.
Để làm được hoa tiền thường phải dùng các que tăm và keo dán có độ bám dính. Từ đây có thể làm cho việc gỡ tiền ra dễ dẫn đến rách, biến dạng, khó lưu thông.
Để làm được hoa tiền thường phải dùng các que tăm và keo dán có độ bám dính cao.
Chị H.T.Y, - một người chuyên làm hoa tiền ở TP Hà Tĩnh cho biết: “Thông thường, vào các ngày lễ, hoa tiền sẽ được làm sẵn theo các mệnh giá từ 1 nghìn đến 500 nghìn đồng, tùy vào nhu cầu của khách. Tiền công để làm mỗi bó hoa tiền rơi vào khoảng 150 - 500 nghìn đồng tùy vào kích thước bó hoa và độ cầu kỳ. Khi khách hàng nhận hoa về có thể để vậy trang trí hoặc gỡ tiền ra sử dụng. Tuy nhiên, việc gỡ tiền từ que tăm cần sự khéo léo để tránh làm rách tiền, nhất là tiền giấy, các tờ có mệnh giá thấp được tung ra thị trường từ lâu”.
Những bó hoa được kết bằng tiền thật với đầy đủ các mệnh giá.
Chị N.T.H. - một người chuyên bán quà tặng ở thị trấn Cẩm Xuyên tiết lộ: “Để có những tờ tiền kết làm thành bó hoa, chúng tôi phải tìm chỗ để đổi tiền lẻ và trả phí dịch vụ. Cứ 1 triệu đồng thì phí dịch vụ đổi là 20 nghìn đồng; tờ mệnh giá 500 đồng thì khó đổi hơn và phí dịch vụ cao hơn. Chuyện làm, bán, tặng hoa bằng tiền thật xuất hiện cách đây khoảng 3 năm, bây giờ nhiều hơn. Các điểm bán quà tặng ngày 14/2, 8/3, 20/10 đều có bán kèm sản phẩm này, thu hút không ít khách hàng, đặc biệt giới trẻ”.
Ngoài bán trực tiếp tại cửa hàng, nhiều người còn rao bán hoa tiền trên Facebook, thu hút khá nhiều người hỏi mua.
Theo kinh nghiệm của một số người làm hoa, trường hợp sử dụng băng keo trong và các loại keo dính khác khi làm hoa có thể làm tiền bị rách khi gỡ hoặc chất keo bám lại trên tờ tiền làm cho việc sử dụng không thuận tiện.
Hiện nay, pháp luật không có quy định cấm làm hoa bằng tiền Việt Nam. Dù vậy, nếu việc làm hoa, sử dụng hoa bằng tiền gây hư hỏng, biến dạng tiền, ảnh hưởng đến việc lưu thông tiền tệ là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo Điều 3 Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg ngày 30/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ tiền Việt Nam, có 4 hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào. Còn tại khoản 3, khoản 5 Điều 31, Nghị định 88/2019, ngày 14/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng” quy định mức phạt từ 10 đến 15 triệu đồng đối với hành vi hủy hoại, phá hoại tiền Việt Nam và bị tịch thu tang vật phương tiện theo quy định. Trường hợp nếu gây hậu quả nghiêm trọng, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.