Chăn nuôi lợn trong “cơn bão” thị trường: Tiểu thương đắc lợi!

(Baohatinh.vn) - Trong lúc người chăn nuôi phải đối mặt với tình cảnh điêu đứng, thua lỗ nặng thì một nghịch lý đang diễn ra là giá thịt thành phẩm đến tay người tiêu dùng vẫn cao ngất ngưởng. Vậy, phần lợi nhuận đó “chảy” vào túi ai?

>>“Điêu đứng”vì hàng tồn, giá “rớt”!

chan nuoi lon trong con bao thi truong tieu thuong dac loi

Phần tiền chênh lệch giá bán thịt lợn hơi tại chuồng và thịt thành phẩm ngoài chợ hầu như đang “chảy” vào túi tiểu thương.

Giá lợn hơi giảm sâu, thịt thành phẩm vẫn “trên trời”

Mặc dù giá lợn hơi giảm sâu trong nhiều tháng qua nhưng đến thời điểm hiện tại, giá thịt lợn được bày bán tại các chợ vẫn không hề giảm, thậm chí, trong dịp tết còn tăng. Qua tìm hiểu, giá bán lợn hơi hiện nay dao động từ 35.000 - 36.000 đồng/kg tại cơ sở sản xuất. Cụ thể: Công ty CP Chăn nuôi Mitraco và Công ty CP Phát triển nông lâm bán cho các lò mổ tại thị trường Hà Tĩnh và TP Vinh với giá 35.000 - 36.000 đồng/kg; Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam bán 34.000 - 36.000 đồng/kg. Giá lợn hơi thương lái mua bán cho Trung Quốc là 34.000 đồng/kg.

Giá từ cơ sở sản xuất nhìn chung chỉ mới có dấu hiệu “ấm” lên, thế nhưng, từ lò mổ ra chợ lại là chuyện khác. Theo đó, giá thịt lợn bày bán ở các chợ trên địa bàn tỉnh hiện dao động ở mức 85.000 - 95.000 đồng/kg (thịt thăn) và từ 70.000 - 80.000 đồng/kg (thịt ba chỉ), từ 90.000 - 100.000 đồng/kg (sườn non) và từ 80.000 - 90.000 đồng/kg (thịt sấn ngang). Riêng những ngày áp tết, giá thịt lợn tăng từ 10.000 - 20.000 đồng/kg. Với mức giá hiện tại thì giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn cao gấp đôi so với giá lợn tại chuồng.

Với nghịch lý giá lợn như hiện nay, không chỉ người chăn nuôi chịu thua lỗ mà người tiêu dùng cũng phải chịu thiệt thòi khi mua thịt với giá cao. Vậy, phần chênh lệch giữa giá bán tại chuồng với giá bán đến tay người tiêu dùng đang “chảy” vào túi ai? Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, có quá nhiều khâu trung gian để miếng thịt đến tay người tiêu dùng. Lợn xuất chuồng được thu gom bởi các thương lái nhỏ lẻ. Sau đó, họ bán lại cho thương lái lớn hơn. Từ đó, thương lái vận chuyển về lò mổ tính thêm chi phí bốc xếp, vận chuyển và ra đến chợ đầu mối, người bán lẻ phải trả tiền thuê sạp và các phí dịch vụ khác. Do có quá nhiều khâu trung gian nên người chăn nuôi chẳng được bao nhiêu. Thực tế, lợi nhuận luôn rơi vào túi người phân phối.

Tiền “chảy” vào túi tiểu thương, dân nuôi đổ xô mổ lợn bán

Theo anh Minh - thương lái thu mua lợn hơi ở địa bàn TP Hà Tĩnh, giữa tiểu thương và thương lái thường có mối làm ăn lâu năm. Giữa 2 bộ phận này có sự thỏa thuận ngầm, một khi giá lợn hơi giảm thì giá bán cho tiểu thương cũng sẽ giảm theo. Tiểu thương mua lợn hơi giá rẻ nhưng khi bán ra giá thành phẩm lại lấy lý do chịu nhiều phát sinh sau mổ nên vẫn bán thịt ở mức cao và phần lợi nhuận chênh lệch ấy đương nhiên “chảy” vào túi tiểu thương.

Ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Thú y - Chăn nuôi Hà Tĩnh cho biết: “Lợi dụng việc các cơ quan chức năng chưa kiểm soát được giá bán lợn thịt ngoài thị trường nên tiểu thương đẩy giá bán lên cao hơn nhiều so với giá bán tại chuồng. Với nghịch lý giá lợn như hiện nay, nhiều người dân đang nắm bắt cơ hội và trở thành những tể lô, những người kinh doanh thịt lợn”.

chan nuoi lon trong con bao thi truong tieu thuong dac loi

Giá lợn hơi giảm sâu nhưng giá thịt thành phẩm vẫn ở mức cao nên nhiều người nuôi tự mổ lợn bán tại nhà (ảnh chụp tại xã Cẩm Quan, Cẩm Xuyên).

Kể từ thời điểm giá lợn giảm xuống dưới 31.000 đồng/kg, đàn lợn hơn 150 con của chị Hiếu Huệ (Cẩm Quan, Cẩm Xuyên) xuất bán không được mà giữ lại nuôi cũng không xon nên chị bàn với chồng đưa lợn lên lò mổ làm thịt và đưa về bán. Theo đó, từ trong tết đến nay, gia đình chị Hiếu đã mổ bán gần chục con lợn.

Chị Hiếu cho biết: “Giá lợn hơi chỉ được khoảng 30, 35, trong khi chúng tôi mổ lợn bán thì trừ chi phí cũng được 50.000 - 60.000 đồng/kg. So với giá lợn hơi xuống thấp, lợn không xuất chuồng được như hiện nay thì mổ lợn bán là giải pháp tốt nhất”.

Giữa thời điểm “cơm cao, gạo kém”, thực trạng dân nuôi tự mổ thịt bán diễn ra ngày càng nhiều. Ông Lê Ngọc Hà - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Lấy lý do chung lợn thịt những ngày tết, nhiều người đã tự ý giết mổ lợn thịt để bán tại nhà khiến cho công tác quản lý giết mổ tập trung trở nên chệch choạc”. Trong dịp tết Đinh Dậu vừa qua, huyện Cẩm Xuyên đã phát hiện 17 trường hợp/8 xã thực hiện giết mổ lợn, bò tại nhà. Qua đó, đã tiêu hủy 85 kg thịt lợn, thịt bò không rõ nguồn gốc xuất xứ, đồng thời, xử phạt hành chính gần 10 triệu đồng.

Không chỉ “bùng phát” tình trạng giết mổ tự phát ở các vùng nông thôn, ngay trên địa bàn TP Hà Tĩnh, người dân cũng phát hiện các tiểu thương có hành vi giết mổ lợn tại nhà. Kinh doanh thịt lợn ở chợ TP Hà Tĩnh nhiều năm nay nhưng bà M. (phường Thạch Quý) ngày nào cũng tự mổ lợn bán chứ không đưa ra lò giết mổ. Một người dân sống gần đó bức xúc: “Hai vợ chồng bà ấy tự giết mổ rồi bán, ngày nào cũng mổ 2 con, bán ở nhà rồi tầm 8 - 9h sáng là ra chợ bán. Không biết họ qua mặt các cơ quan quản lý như thế nào chứ theo tôi được biết thì thịt lợn phải giết ở lò mổ rồi đóng dấu mới được đưa ra chợ bán cơ mà”.

Vẫn biết rằng, nghịch lý giá lợn hơi giảm nhưng giá thịt lợn trên thị trường không giảm đã tái diễn nhiều năm nay nhưng để “biến tướng” như hiện nay thì rất đáng báo động. Đã có một thời lợn giết mổ tại nhà không được quản lý, gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến đời sống của những hộ dân xung quanh. Với việc giá lợn chênh lệch như hiện nay, nhiều người chăn nuôi thấy lợi nên bất chấp quy định giết mổ lợn bán thịt tại nhà.

Thiết nghĩ, nghịch lý giá lợn hơi - lợn thịt cần sớm được khắc phục, giải quyết để tránh tình trạng trên, cũng là để trả lại quyền lợi chính đáng cho người chăn nuôi, giúp nghề chăn nuôi lợn phát triển một cách bền vững trong tương lai.

(Còn nữa)

Đọc thêm

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.
Bình yên xã nông thôn mới bên sông Ngàn Phố

Bình yên xã nông thôn mới bên sông Ngàn Phố

Bằng những việc làm cụ thể, cán bộ và Nhân dân xã Sơn Giang (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã, đang chung sức, đồng lòng “vẽ” nên bức tranh nông thôn mới đa sắc, kinh tế phát triển, làng quê bình yên...
Giải thể Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh

Giải thể Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh

Căn cứ theo các quy định, xét đề nghị của Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh và Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định giải thể Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh.