Từ những ngày đầu tháng 1/2022, bà con nông dân Lộc Hà đã bắt đầu xuống đồng cấy lúa.
Áp tết, công việc bận rộn nhưng bà Nguyễn Thị Lục (thôn Thanh Ngọc, xã Phù Lưu, Lộc Hà) vẫn cố gieo hết số giống đã chuẩn bị. “Năm nay nhà tôi làm 7 sào, bắt đầu xuống giống từ 20/1, chỉ khoảng 1-2 hôm nữa sẽ hoàn thành. Mấy ngày áp tết Nhâm Dần, thời tiết nắng ấm, chúng tôi tranh thủ tối đa thời gian ra đồng, ông nhà vừa là lại mặt ruộng, chia rãnh để tránh úng nước, còn tôi theo sau gieo giống luôn. Dù bận rộn nhưng xuống đồng những ngày cuối năm luôn khiến tâm trạng vui vẻ, chờ đón một năm mùa màng tốt tươi”.
Cùng với xã Phù Lưu, nhiều cánh đồng ở Hồng Lộc, Ích Hậu… cũng đã được phủ màu xanh non của lúa mới. Đến thời điểm này, toàn huyện Lộc Hà đã gieo cấy được hơn 2.480 ha, đạt 76,4% tổng diện tích, trong đó gần 1.750 ha lúa gieo và hơn 730 ha lúa cấy.
Cẩm Xuyên là một trong 3 địa phương có diện tích lúa xuân lớn nhất nhưng có tiến độ gieo cấy nhanh nhất tỉnh.
Trong khi đó, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc là những địa phương có diện tích đã gieo cấy lớn nhất tỉnh. Khung lịch thời vụ xuống giống cũng đã cơ bản kết thúc từ ngày 25/1, trùng thời điểm hoàn thành gieo cấy các trà giống chủ lực của tỉnh. Một phần, các địa phương này chủ yếu là lúa gieo, phần khác đây cũng là những địa phương thực hiện “cuộc cách mạng” chuyển đổi ruộng đất, phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn rầm rộ nhất. Cùng với việc chỉnh trang, tập trung đồng ruộng, các chính sách hỗ trợ 50% giống sản xuất cánh đồng lớn đã thực sự tạo động lực cho bà con nông dân sau một năm chịu nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19.
Bà con nông dân Can Lộc sử dụng máy cấy trên cánh đồng tập trung, phá bờ vùng, bở thửa
Ông Đặng Văn Ảnh - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ, môi trường và thủy lợi xã Tùng Lộc (Can Lộc) cho biết: “Vụ xuân 2022, HTX mở rộng diện tích phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn lên 40 ha, trong đó, 30 ha lúa gieo và 10 ha là lúa cấy. HTX chịu trách nhiệm chỉ đạo sản xuất, đến kỳ, chúng tôi thông báo đến bà con và thực hiện đồng loạt xuống giống, một thời vụ và một quy trình. Những ngày như thế, đồng ruộng rộn ràng lắm, cứ máy đi trước làm đất, người theo sau gieo giống. Hiện nay, chúng tôi chỉ còn lại mấy ha lúa cấy, phấn đấu kết thúc trước khi tết đến. Năm nay, HTX tiếp tục sử dụng các loại giống đang được thị trường ưa chuộng như Thái Xuyên 111, LP5 và thử sức một vài giống mới theo chính sách hỗ trợ của huyện”.
Trên những cánh đồng của huyện Đức Thọ, từng nhóm người nhanh tay tỉa mạ, cấy lúa. Năm mới đang đến thật gần, bà con vừa tập trung cao độ để tranh thủ được thời tiết ấm áp đầu vụ xuân cấy lúa thuận lợi, vừa “chạy đuổi” với thời gian để mang tết về nhà.
“Ngoài phố, người người nô nức mua sắm còn chúng tôi thì phải lo cấy lúa cho kịp thời vụ đã. Vào thời điểm này, ra đồng còn vui hơn ở nhà. Đối với bà con nông dân, khi những cánh đồng được phủ xanh màu lúa mới, chính là lúc xuân về. Chúng tôi đang tính sẽ cấy đến khoảng ngày 28/1 (26 tết), cơ bản kết thúc trà lúa chính, một số giống ngắn ngày hơn sẽ tiến hành cấy vào những ngày đầu năm mới”, bà Nguyễn Thị Hoa (xã Lâm Trung Thủy) cho biết.
Bà con nông dân Đức Thọ xuống đồng cấy lúa xuân những ngày áp tết Nhâm Dần.
Vụ xuân 2022, toàn huyện Đức Thọ gieo cấy 6.484 ha, tập trung nhóm giống chủ yếu là: P6, Nếp 98, Lai thơm 6, Thái Xuyên 111, ADI 168, VRN 20, BT09, LP5... Thời vụ tập trung xuống cấy từ khoảng ngày 20 - 25/1 và kết thúc vào khoảng 10/2.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh gieo cấy hơn 50.000 ha, đạt gần 85% tổng diện tích gieo cấy. Trong đó, các địa phương Thạch Hà, Cẩm Xuyên, TX Kỳ Anh, Can Lộc và Hương Sơn sẽ cơ bản kết thúc gieo cấy trong tết, tập trung vào nhóm giống có thời gian sinh trưởng từ 120 - 135 ngày. Thời vụ xuống giống sẽ kéo dài đến ngày 8 - 10/2 tới, tập trung các nhóm giống cuối cùng của cơ cấu năm nay như: Xuân mai, BT09, Lai thơm 6, PC6, TH3-3, TH3-5 (có thời gian sinh trưởng từ 110 - 115 ngày).
Nhìn chung, thời vụ xuống giống lúa xuân năm nay rất thuận lợi, thời tiết không quá rét, ít mưa đã tạo điều kiện cho bà con nông dân gieo cấy đúng tiến độ. Đặc biệt, năm nay, các địa phương đẩy mạnh việc thực hiện phá bờ thửa nhỏ, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo (theo Nghị quyết 06-NQ/TU) đã góp phần cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng, tăng tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất, đồng nhất về cơ cấu giống, quy trình sản xuất. Đây là bước chuyển quan trọng để thu hút các doanh nghiệp kết nối liên kết sản xuất, từng bước đưa sản xuất nông nghiệp ngày càng hiện đại và hàng hóa lớn