Chạy thận ở bệnh viện, ăn cơm ở nhà
5 năm chạy thận, trong đó, 3 năm đầu tiên chị Nguyễn Thị Lài (xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh) vẫn cứ phải mỗi tuần 3 ngày dậy sớm bắt xe buýt ra BVĐK tỉnh để chạy thận. Nhiều thời điểm, chị mệt, phải nhờ hai anh trai thay nhau đưa chị đi.
Tuy nhiên, từ khi BVĐK thị xã Kỳ Anh triển khai 7 máy chạy thận nhân tạo đã mang lại nhiều sự thuận lợi cho chị. “Trước đây phải mất cả ngày đi lại, chờ đợi mãi mới đến lượt thì chỉ cần một buổi là tôi xong ca chạy thận, có thể về nhà ăn cơm với mọi người chứ không phải cơm đường, cháo chợ như trước” – chị Lài chia sẻ.
Bệnh nhân Nguyễn Thị Lài (xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh) chạy thận tại BVĐK TX Kỳ Anh.
32 bệnh nhân khác đang chạy thận của huyện Kỳ Anh, TX Kỳ Anh cũng đang nhận được sự thuận lợi như chị Lài.
Theo bác sỹ Trần Đình Linh – phụ trách đơn vị chạy thận nhân tạo BVĐK thị xã Kỳ Anh: "Việc đưa các máy chạy thận vào hoạt động thực sự có ý nghĩa hết sức to lớn, đáp ứng được mong mỏi của người bệnh trên địa bàn".
Đối với BVĐK huyện Đức Thọ, việc triển khai các đơn vị chạy thận nhân tạo đã tạo thuận lợi cho bệnh nhân trong huyện và các huyện Hương Sơn, Hồng Lĩnh, Vũ Quang. Thời gian đầu, bệnh viện có 5 máy phục vụ cho 34 bệnh nhân, vì thế để đáp ứng đủ yêu cầu nhiều khi bệnh viện phải tổ chức chạy 4 ca. Sau đó, bệnh viện được bổ sung thêm 2 máy, đáp ứng nhu cầu chạy thận cho 42 bệnh nhân.
Cung không đủ cầu
Dù đáp ứng mong mỏi của người bệnh nhưng số lượng máy chạy thận còn ít nên các đơn vị đang đối mặt với nhiều vất vả, áp lực.
Kỹ thuật viên kiểm tra nước trước khi vận hành máy chạy thận tại BVĐK TX Kỳ Anh.
Bác sỹ Trần Đình Linh cho biết: "Hầu hết các bệnh nhân đều bệnh nặng phải chạy từ 3 lần/tuần trở lên. Với số lượng 7 máy như hiện nay, đơn vị phải chạy từ 2-3 ca/ngày mới đảm bảo phục vụ. Thời gian tới, bệnh viện cần có thêm khoảng 3 máy chạy thận nhân tạo nữa mới đáp ứng nhu cầu".
Còn tại BVĐK Đức Thọ, dù nâng tổng số máy lên 7 nhưng hầu hết các ngày trong tuần đều phải chạy 3 ca, từ 6h sáng đến 18h. Những dịp lễ tết, nhiều bệnh nhân từ các tỉnh, thành phố về đăng ký chạy cũng không thể đáp ứng đủ. Được biết, từ khi triển khai chạy thận nhân tạo đến nay, bệnh viện đã chạy hơn 10.000 lượt cho các bệnh nhân.
Bác sỹ Nguyễn Trọng Lý – Phó Giám đốc BVĐK Đức Thọ cho biết: "Xét về nhu cầu, đơn vị phải có từ 15-20 máy mới đáp ứng đủ. Để sớm thực hiện được mục tiêu, phục vụ đủ nhu cầu người dân, rất mong tỉnh và ngành tiếp tục hỗ trợ đầu tư để bệnh viện được mở rộng cơ sở vật chất, lắp đặt thêm máy".
Một ca chạy thận tại BVĐK Đức Thọ
Là huyện miền núi, theo thống kê, hiện nay, toàn huyện Hương Sơn có khoảng 30 bệnh nhân phải chạy thận. Do bệnh viện địa phương chưa triển khai được đơn vị chạy thận nên bệnh nhân vẫn phải xuống BVĐK Đức Thọ, BVĐK tỉnh.
Theo bác sỹ Nguyễn Quang Hòe – Giám đốc BVĐK Hương Sơn: "Trước nhu cầu bức thiết của người bệnh, bệnh viện rất muốn triển khai đơn vị chạy thận nhân tạo để giúp bệnh nhân trên địa bàn huyện và một số vùng lân cận của nước bạn Lào có thể thuận lợi trong điều trị. Tuy nhiên, việc triển khai lại đòi hỏi nguồn lực lớn để đầu tư cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị".
Hiệu quả rõ nét sau 2 năm triển khai các đơn vị chạy thận tại BVĐK huyện Đức Thọ và TX Kỳ Anh là cơ sở để ngành y tế đánh giá và triển khai thêm ở các bệnh viện khác, tạo thuận lợi cho người bệnh.