Gia đình bà Hoàng Thị Sâm - người dân tham gia mô hình đánh giá cao kết quả thử nghiệm của chế phẩm trên đồng ruộng.
Trên thực tế, không thể phủ nhận vai trò của thuốc BVTV trong việc ngăn chặn sâu bệnh, giúp đảm bảo năng suất, chất lượng cây trồng. Tuy nhiên, việc lạm dụng hoặc sử dụng không đúng phương pháp đã để lại một lượng tồn dư khá lớn trong đất, nước, không khí và cây trồng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái cũng như sức khỏe con người.
Xuất phát từ thực tiễn là cần giải quyết tồn dư thuốc BVTV bằng phương pháp sinh học nhằm hạn chế việc gây ô nhiễm trở lại đối với môi trường, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở KH&CN Hà Tĩnh) đã thực hiện nhiệm vụ: Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất thử nghiệm chế phẩm sinh học phân hủy tồn dư thuốc BVTV trong đất, góp phần phát triển nền sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững.
Mô hình được thử nghiệm trên cây hành lá, cải bẹ mào gà, cải ngọt tại xã Tượng Sơn, Thạch Hà.
Bà Nguyễn Thị Hà - chủ trì tổ chức thực hiện nhiệm vụ chia sẻ, để nghiên cứu sản phẩm phù hợp với điều kiện thực tế của Hà Tĩnh, đơn vị đã phối hợp với chuyên gia có nhiều kinh nghiệm để tổ chức nghiên cứu, thử nghiệm hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học phân hủy tồn dư thuốc BVTV trong đất. Trong thời gian 12 tháng (từ tháng 1 – 12/2020) qua rất nhiều thí nghiệm, chúng tôi đã tuyển chọn được bộ chủng vi sinh vật có khả năng phân hủy thuốc BVTV (trong phòng thí nghiệm) và xác định công thức phối trộn các chủng nhằm tăng hiệu lực chế phẩm.
Không dừng lại ở đó, sau khi hoàn thiện công nghệ, nhóm nghiên cứu đã tiến hành tổ chức sản xuất thử nghiệm chế phẩm sinh học phân hủy tồn dư thuốc BVTV với khối lượng 1.000 kg dạng bột. Tiếp đó, nhóm xây dựng mô hình thử nghiệm trên vùng trồng rau với quy mô 2.000 m2, phân tích các chỉ tiêu đầu vào, đầu ra của các công thức thử nghiệm để xác định quy trình sử dụng chế phẩm phù hợp. Cụ thể, mô hình được thử nghiệm trên cây hành lá, cải bẹ mào gà, cải ngọt tại xã Tượng Sơn (Thạch Hà) và thử nghiệm trên cây hành tăm, xà lách, cải sen, cải củ tại xã Thạch Hưng (TP. Hà Tĩnh).
Qua quan sát cho thấy diện tích ruộng có xử lý chế phẩm đất tơi xốp hơn.
Kết quả tại các mô hình cho thấy, toàn bộ diện tích cây trồng tại 2 địa điểm đều sinh trưởng, phát triển tốt, không có hiện tượng ngộ độc hoặc ảnh hưởng của chế phẩm đối với cây trồng; qua quá trình theo dõi và quan sát thấy rằng, diện tích xử lý chế phẩm đất tơi xốp hơn, cây sinh trưởng khỏe hơn so với đối chứng không xử lý thuốc.
Bà Nguyễn Thị Hà cho biết thêm, nhóm đã tiến hành lấy 4 mẫu đất phân tích dư lượng các hoạt chất nhóm lân hữu cơ và cacbamat (Chlorpyrifos và Carbosulfan) - là những độc tố có trong thuốc BVTV. Kết quả, cả 3 mẫu đất có sử dụng chế phẩm đều không phát hiện dư lượng hoạt chất Chlorpyrifos và Carbosulfan. Trong khi đó, mẫu đất không xử lý chế phẩm (mẫu đối chứng) có tồn tại dư lượng Chlorpyrifos và Carbosulfan. Như vậy, có đủ dữ liệu và căn cứ để kết luận về hiệu lực của chế phẩm sinh học phân hủy tồn dư thuốc BVTV trong đất tại địa điểm xây dựng mô hình.
Người dân thôn Sâm Lộc, xã Tượng Sơn mong muốn tiếp tục sử dụng chế phẩm phân hủy tồn dư thuốc BVTV trong vụ xuân năm 2021.
Người dân tham gia mô hình cũng rất đồng tình ủng hộ vì chế phẩm làm đất tơi xốp, tăng độ phì nhiêu. Chế phẩm còn bổ sung các vi sinh vật cho đất, nhất là các xạ khuẩn, vi khuẩn Bacillus có tác dụng phân giải chất khó tiêu thành chất dễ tiêu giúp cây trồng dễ sử dụng và phát triển tốt. Bà Hoàng Thị Tâm - người dân thôn Sâm Lộc, xã Tượng Sơn (Thạch Hà) cho biết: “Chúng tôi mong muốn được sử dụng sản phẩm rộng rãi hơn với mục đích cung cấp ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn.”
Ông Nguyễn Tống Phong - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh cho biết, việc nghiên cứu chế phẩm sinh học để xử lý tồn dư thuốc BVTV là một hướng đi rất đúng của ngành KH&CN. Nhiệm vụ bước đầu cũng đã cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan. Do đó, thời gian tới cần có thêm những công trình nghiên cứu, thử nghiệm với phạm vi rộng hơn để có đánh giá chính xác và tiến tới sản xuất đại trà, phục vụ thị trường.