Các loại cây có múi tại Hà Tĩnh đã dần khẳng định vị thế và mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho nông dân là các loại cây như cam, bưởi chịu nhiều ảnh hưởng của sâu, bệnh. Trong những năm gần đây, hàng năm có hàng trăm tấn cam đến vụ thu hoạch bị rụng do nấm loét, thán thư; nhiều diện tích phải chặt bỏ vì nhiễm bệnh đã gây tổn thất lớn đến diện tích cây ăn quả của toàn tỉnh.
Quả cam bị bệnh thối quả do nấm Phytophtora spp gây ra.
Trước thực trạng này, tháng 6/2021, Trung tâm Ứng dụng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo tỉnh Hà Tĩnh (Sở KH&CN) đã triển khai đề tài “Nghiên cứu sản xuất và sử dụng chế phẩm sinh học nhựa dầu nghệ kết hợp nano bạc và chitosan phòng trừ bệnh thán thư và thối quả trên cây cam, bưởi tại Hà Tĩnh”.
Tiến sỹ Cao Đức Danh - Chủ nhiệm đề tài chia sẻ: "Để phòng trừ bệnh loét, thán thư, thối quả cho cam, bưởi, người dân thường sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật như: Antrac ol 70 WP, Bavistil, Kanras, Batocide 12 WP, Kasumin 2 L, Bonny 4 SL, Ridomil Gold 68WG... rồi phun cho cây. Tuy nhiên, hiệu quả chỉ tương đối và có nguy cơ ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật cao. Do vậy, hướng đi của chúng tôi là tìm kiếm chế phẩm sinh học để vừa phòng trừ hiệu quả các loại bệnh vừa đảm bảo môi trường".
Các nhà khoa học nghiên cứu công nghệ sản xuất chế phẩm trong phòng thí nghiệm.
Thực hiện đề tài, các nhà khoa học đã nghiên cứu công nghệ sản xuất và thử hoạt tính của chế phẩm trong phòng thí nghiệm. Quá trình nghiên cứu, nhóm đề tài phải tiến hành phối trộn thử nghiệm các công thức chế phẩm ở các dạng khác nhau để tìm ra dạng chế phẩm phù hợp nhất.
Anh Nguyễn Cao Cường - thư ký đề tài nhớ lại: "Chúng tôi phải tiến hành thử hoạt tính 25 mẫu với chủng nấm Phytophtora spp và Colletotrichum spp (các chủng nấm gây bệnh vàng lá, thối rễ, thối quả, chảy gôm, thán thư trên cam, bưởi - PV). Các kết quả cho thấy, tinh dầu nghệ có hoạt tính kháng nấm rất tốt và chế phẩm có hàm lượng dầu nghệ càng cao thì có hoạt tính càng tốt đối với các chủng nấm gây bệnh. Tiếp đó, nhóm lựa chọn được 9 mẫu có hoạt tính tốt nhất để tiến hành các thử nghiệm tiếp theo".
Các khảo nghiệm thực tế được bố trí tại xã Hương Trà, huyện Hương Khê.
Sau khi phân tích định tính và định lượng, nhóm nghiên cứu lựa chọn được mẫu có hoạt tính tốt, khả năng phân tán tốt, kích thược nhỏ, độ bền tốt, khả năng tan trong nước tốt. Theo đó, nhóm tiến hành sản xuất với quy mô 5 lít/mẻ để tiến hành các khảo nghiệm trên đồng ruộng (chế phẩm được đặt tên là BNHT). Các khảo nghiệm thực tế được bố trí tại xã Hương Trà, huyện Hương Khê với tổng diện tích 3ha.
Theo thống kê của nhóm nghiên cứu, quá trình thử nghiệm sử dụng chế phẩm sinh học đã làm tăng năng suất trên cây cam hơn 15%; nâng hiệu quả kinh tế (lãi thuần) cao hơn 35% so với mô hình đối chứng. Đối với cây bưởi, chế phẩm không những làm giảm bệnh thán thư, thối hoa, quả non mà còn giảm mạnh bệnh khác, giúp cho cây bưởi sinh trưởng tốt, cành lá phát triển đều; góp phần nâng hiệu quả kinh tế cao hơn 24% so với mô hình đối chứng.
Ông Trần Ngọc Anh (thôn Đông Trà, xã Hương Trà) phấn khởi chia sẻ: "Chúng tôi nhận thấy chế phẩm mang lại hiệu quả kinh tế tích cực trong sản xuất và cả hiệu quả với môi trường. Chế phẩm không chỉ phòng trừ hiệu quả bệnh thán thư, thối quả mà còn giúp cây cam sinh trưởng tốt, khả năng đậu quả cao, quả cam to, khỏe hơn, tình trạng rụng quả giảm rõ rệt".
Ông Trần Ngọc Anh (thôn Đông Trà, xã Hương Trà) cho rằng, chế phẩm sinh học dễ sử dụng, hiệu quả cao và an toàn.
Tiến sỹ Cao Đức Danh cho biết thêm: "Kết quả thử nghiệm trên mô hình cho thấy chế phẩm BNHT có hiệu quả kháng nấm gây bệnh thán thư trên bưởi đạt 56,54% sau 2 lần phun; hiệu quả kháng nấm gây bệnh thối quả cam đạt 51,2% sau 2 lần phun. Chúng tôi cũng đã xác định dư lượng kim loại bạc (Ag) có trong mẫu bưởi, cam ở huyện Hương Khê sau khi sử dụng chế phẩm BNHT đều thấp. Cơ bản dư lượng bạc trong cây trồng là rất ít và bạc là nguyên tố hóa học an toàn đối với người, động - thực vật".
Chế phẩm cũng được các cơ quan chuyên môn ngành nông nghiệp đánh giá cao về tính hiệu quả, khả thi.
Đề tài đã được Hội đồng KH&CN chuyên ngành cấp tỉnh nghiệm thu từ ngày 24/12/2023 và đánh giá đạt yêu cầu. Nhóm nghiên cứu mong muốn sản phẩm thử nghiệm từ đề tài sẽ được tư vấn, chuyển giao công nghệ tới các doanh nghiệp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật cũng như các cơ sở, hộ gia đình trồng cam, bưởi; sớm thương mại hóa. Đồng thời, đề nghị Sở KH&CN duy trì mô hình ít nhất 2 - 3 năm sau khi nghiệm thu; thử nghiệm sản phẩm của đề tài các đối tượng cây trồng khác nhau; tiếp tục nghiên cứu để sản xuất và sử dụng kết hợp với các thành phần khác (như nano đồng, Bo, magie, kẽm, TE,..) để mang lại hiệu quả cao hơn.