Ánh nắng mặt trời là gì?
Ánh sáng là một phần của bức xạ điện từ phát ra từ mặt trời. Đặc biệt là ánh sáng hồng ngoại, khả kiến và tia cực tím. Trên Trái đất, ánh sáng mặt trời được lọc qua bầu khí quyển và là ánh sáng ban ngày khi Mặt Trời ở phía trên đường chân trời.
Khi bức xạ mặt trời trực tiếp không bị mây che khuất, nó được thể hiện dưới dạng ánh nắng. Ánh nắng là sự kết hợp giữa ánh sáng rực rỡ và sức nóng bức xạ. Khi ánh sáng mặt trời bị các đám mây chặn lại hoặc phản xạ từ các vật thể khác, nó được thể hiện dưới dạng ánh sáng khuếch tán.
Ánh nắng mặt trời là nguồn năng lượng tự nhiên. Nó mang lại rất nhiều lợi ích, từ việc kéo dài quá trình quang hợp cho đến việc sản sinh vitamin D cho con người.
Ánh nắng mặt trời tác động vào cơ thể là do các bức xạ cực tím (tia UV) của mặt trời, có 3 loại là UVA, UVB và UVC. Tuy nhiên tia UVC là tia cực tím yếu, hầu như không qua được tầng ozon để xuống Trái đất, nên chỉ có tia UVA và UVB với những bước sóng khác nhau ảnh hưởng tới da và sức khỏe của con người. Thông thường tia UVB có bước sóng ngắn, nhưng có thể gây cháy nắng. Tia UVA có bước sóng dài hơn và nguy hiểm hơn, nó có thể xâm nhập vào da và làm tổn thương các mô sâu hơn.
Những tác động tiêu cực của ánh nắng mặt trời
Cháy nắng: Đây là tình trạng phổ biến của da bị tổn thương bị gây ra bởi tia UVB. Biểu hiện được miêu tả là da bị đỏ, đau và bị giộp. Các triệu chứng này có thể không xuất hiện ngay lập tức mà phải mất khoảng 5 giờ sau đó.
Lão hóa da: Đa số chứng lão hóa sớm xảy ra do làn da tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời quá nhiều mà không được bảo vệ đúng cách. Những dấu hiệu chứng tỏ làn da bị lão hóa sớm đó là tàn nhang, đồi mồi, sạm da, nám, mặt sần sùi, xuất hiện nếp nhăn và da chảy xệ.
Dị ứng: Phát ban ánh sáng đa dạng (PLE) là hình thức phổ biến của việc da bị dị ứng với ánh nắng mặt trời và được chẩn đoán xảy ra ở 90% các bệnh nhân bị dị ứng. Dị ứng với ánh nắng mặt trời được kích thích bởi sự oxy hóa của tia UVA, cho đến việc sản sinh các gốc tự do do tia UVB.
Ung thư da: Ung thư da có thể xuất hiện trên da nếu tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời. Như chứng dầy sừng quang hóa là một thương tổn tiền ung thư và vùng da này có khả năng phát triển thành ung thư.
Tăng sự sinh sản tế bào sừng: Tia UVB trong tia nắng mặt trời làm gia tăng sự sản sinh tế bào sừng của da khiến lớp thượng bì, nhất là lớp sừng, dày lên. Hiện tượng tầng sừng này rất bất lợi, đặc biệt là với người bị mụn trứng cá. Nó làm tăng sự ứ đọng chất bã, cồi mụn, làm xuất hiện những sang thương viêm chỉ trong vài tuần sau khi phơi nắng.
Tổn thương mắt: Việc tiếp xúc lâu dài với ánh sáng cục tím từ ánh nắng mặt trời có thể làm hỏng võng mạc (phía sau mắt, nơi các thanh và hình nón tạo ra hình ảnh, sau đó được gửi đến các trung tâm thị giác trong não). Tia UV cũng là một yếu tố trong sự phát triển của đục thủy tinh thể.
Ức chế miễn dịch: Các nhà khoa học phát hiện ra rằng tiếp xúc quá nhiều với tia UV có thể gây ức chế hoạt động của hệ thống miễn dịch và khả năng bảo vệ tự nhiên của da với nhiều loại bệnh tật như nhiễm trùng, ung thư.
Biện pháp bảo vệ khỏi ánh nắng
- Hạn chế ra ngoài khi trời nắng (trong thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều), đây là lúc các tia nắng mặt trời mạnh nhất.
- Mặc quần áo dài, đội mũ rộng vành, đeo kính, khẩu trang… khi ra ngoài. Tránh mặc quần áo quá dày và tối màu vì sẽ dễ hấp thụ nhiệt.
- Sử dụng các sản phẩm kem chống nắng lên các phần cơ thể và mặt tiếp xúc với ánh nắng như là một phần của qui trình chăm sóc da hàng ngày. Chỉ số chống nắng (SPF) càng cao, bảo vệ da càng tốt. Ít nhất hãy sử dụng loại kem chống nắng có độ SPF 30.
- Bảo vệ mắt bằng cách đeo kính râm, tốt nhất nên chọn loại kính có thể chống được các tia UV để bảo vệ mắt.
- Vào mùa hè, để tăng cường sức đề kháng hiệu quả cần ăn chế độ ăn đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng và có sự thay đổi, luân phiên trong việc chế biến các món ăn; nên ăn thức ăn dễ tiêu hóa, thức ăn nhiều nước; ăn nhiều những thực phẩm có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể để chống nắng nóng như: trái cây, rau xanh, sữa chua, sữa tươi…
- Thường xuyên kiểm tra sức khỏe của làn da. Nếu có bất cứ những thay đổi về kích thước, hình dạng, màu sắc của da hoặc xuất hiện những vết bớt, nốt ruồi và đốm bất thường trên da, bạn cần tìm đến các cơ sở y tế để thăm khám.