Sau thời gian giãn cách xã hội cũng là thời điểm chuyển mùa, nhiều cửa hàng kinh doanh các mặt hàng thời trang ở thành phố Hà Tĩnh bước vào “mùa sale”. Những tấm pano, áp phích quảng cáo giảm giá, xả hàng được trưng lên khá dày đặc trên các tuyến phố.
Đã “sale” là phải quảng cáo thật “kêu”. Thế nhưng, cách mà một cửa hàng thời trang trên đường Xuân Diệu (TP Hà Tĩnh) quảng cáo chương trình giảm giá của mình đến khách hàng thì thật sự gây “choáng”.
Đã “sale” là phải quảng cáo thật “kêu”.
Một tấm pano với dòng chữ “Xả hàng lỗ vỡ mồm 20% -50%” đã được cửa hàng trưng lên ngay lối ra vào để gây chú ý.
Cũng trên tuyến đường này, một cửa hàng kinh doanh giày dép chạy chương trình khuyến mãi cho dịp khai trương với lời “hứa” chắc như đinh đóng cột: “Sale khô máu”.
Cửa hàng này “hứa” với khách hàng sẽ “sale khô máu” nhân dịp khai trương.
Chưa biết hiệu quả kinh doanh đến đâu nhưng chắc chắn những lời quảng cáo với ngôn từ mang sắc thái mạnh, khá phản cảm đối với hình thức quảng cáo đã khiến nhiều người không khỏi e dè.
Chị Thanh Loan (phường Nguyễn Du) chia sẻ: “Không biết những người khác cảm thấy thế nào, riêng bản thân tôi thấy khó chịu với cách quảng cáo có phần “lỗ mãng” như vậy”.
Không chỉ gây “sốc” với các pano khuyến mãi, một số nhà hàng, cửa hiệu cũng đặt tên gọi gây khó chịu cho nhiều người. Như một nhà hàng được gắn biển hiệu “Học viện bia rượu” trên đường Lê Duẩn.
Học viện bia rượu” trên đường Lê Duẩn
Anh Tâm (phường Hà Huy Tập) - một người cũng khá thường xuyên nhậu bày tỏ quan điểm: “Tôi đến rất nhiều nhà hàng, quán nhậu với tên gọi khác nhau nhưng chưa thấy ở đâu gọi quán nhậu là “Học viện bia rượu”.
Quảng cáo gây “sốc”, giật gân chỉ lôi kéo được một bộ phận khách hàng nhưng có thể tạo nên phản ứng ngược lại của số đông khách hàng khác.
Quảng cáo là nhằm truyền tải thông tin, gây ấn tượng với người tiếp nhận nhưng thiết nghĩ, các chủ cửa hàng kinh doanh cũng cần quan tâm đến yếu tố văn hóa. Bởi, đó không chỉ là sự tôn trọng với khách hàng mà còn là cách xây dựng thương hiệu bền vững.