Hương Khê là huyện miền núi, việc phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện (BHXH) ngay cả với vùng trung tâm huyện và trung tâm các xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn, còn với vùng sâu, vùng xa thì khó gấp bội phần.
Ông Phan Quốc Khánh – Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Hương Khê cho biết, dù nhiều thách thức, nhưng với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhất là bà con đồng bào tộc thiểu số, chúng tôi vẫn băng đèo, lội suối, tìm hiểu phong tục tập quán, tâm tư tình cảm của bà con để tuyên truyền, thuyết phục họ tham gia BHXH. Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là điều kiện kinh tế của người dân. Nhiều người dân đã hiểu về lợi ích từ việc tham gia BHXH mang lại rất lớn và Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ nhưng vì công việc bấp bênh, không ổn định, chủ yếu sản xuất nông nghiệp nên khó có thể duy trì việc tham gia đóng BHXH.
Trong khó khăn đó, chúng tôi đã nỗ lực phối hợp với các tổ chức hội đoàn thể để tuyên truyền, tìm kiếm giải pháp. Từ đó, lồng ghép nội dung tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về BHXH vào các cuộc sinh hoạt chi hội, tổ hội, sinh hoạt câu lạc bộ (CLB) nông dân tại cộng đồng. Trong đó, mô hình CLB nông dân hướng tới có lương hưu do Hội Nông dân huyện Hương Khê phát động trở thành giải một pháp rất sáng tạo.
Mô hình CLB nông dân hướng tới có lương hưu đầu tiên được phát động tại xã Hương Trạch gắn với mô hình cây bảo hiểm. Qua hướng dẫn của tổ chức hội, mỗi hộ nông dân sẽ dành 1 – 2 cây trồng trong vườn nhà (phần lớn là cây bưởi Phúc Trạch) để tiết kiệm tiền đóng bảo hiểm. Mô hình đã nhanh chóng lan tỏa đến các địa phương khác tại như: Phúc Trạch, Phú Gia.
Đặc biệt, tháng 9 vừa qua, thôn vùng sâu, biên giới Phú Lâm (xã Phú Gia) với 63 hộ dân tộc Lào và 58 hộ dân tộc Kinh sinh sống, đã thành lập được CLB nông dân hướng tới có lương hưu với 27 thành viên tham gia.
Để có kinh phí duy trì đóng BHXH, các thành viên CLB được hội nông dân các cấp hướng dẫn tiết kiệm các khoản tiền bằng việc phát huy lợi thế đồi, rừng của địa phương... Mỗi hộ tham gia CLB sẽ tự tìm cách tiết kiệm phù hợp như mỗi tháng sẽ dành một số ngày công từ công việc thu hoạch cây keo tràm, từ hoạt động trồng rừng hoặc “nuôi gà bảo hiểm”, “con lợn bảo hiểm”…
Anh Lê Thanh Hóa – người dân tộc Lào ở thôn Phú Lâm chia sẻ, qua chương trình tuyên truyền tại nhà văn hóa thôn, chúng tôi hiểu được những vấn đề phát sinh khi về già, không còn sức lao động. Trong khi bây giờ còn có thể lao động thì chúng tôi sẽ cố thêm để có tiền đóng BHXH. Như vậy, sau này, chúng tôi vẫn có thể tự lập, trang trải cuộc sống mà không phải phụ thuộc vào con cháu hoặc xã hội. Trước kia, tôi cứ nghĩ một người làm nông như tôi thì làm gì có lương hưu. Nhưng bây giờ thì tôi biết mình hoàn toàn có cơ hội đó, vậy nên cả tôi và vợ cùng quyết tâm sẽ tham gia BHXH để được nhận lương khi về già.
Cùng với anh Hóa, toàn thôn Phú Lâm có 27 người đã tiên phong đóng BHXH, trong đó có 9 người dân tộc Lào. Ông Lê Văn Hòe – Trưởng thôn Phú Lâm, cũng là người dân tộc Lào, phấn khởi nói: Chính sách nhân văn này đã thực sự khiến bà con ưng bụng, bởi nó giúp người dân không chỉ có lương hưu trong tương lai mà còn giúp thoát nghèo bền vững và đảm bảo an sinh vùng biên giới. Tôi cùng vợ quyết định sẽ tham gia BHXH và tiếp tục vận động những hộ còn lại tham gia.
Ông Đinh Ông Đinh Công Tịu – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Khê chia sẻ, toàn huyện đã có 3 mô hình CLB nông dân hướng tới có lương hưu và 1 CLB đang chuẩn bị ra mắt với khoảng gần 100 thành viên tham gia. Hội Nông dân đang phấn đấu mỗi xã sẽ thành lập được ít nhất 1 CLB. Đặc biệt, chúng tôi sẽ ưu tiên cho việc tuyên truyền, trăn trở xây dựng các mô hình kinh tế ở khu vực vùng sâu, biên giới, các vùng dân tộc thiểu số ở bản Giàng 2 (xã Hương Vĩnh), bản Rào Tre (xã Hương Liên) để bà con có kinh phí tham gia BHXH.
Từ đầu năm đến nay, BHXH huyện Hương Khê và hội nông dân các cấp đã phối hợp tổ chức hơn 50 cuộc tuyên truyền cho trên 3.000 lượt cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn 20/20 xã; kết quả có gần 1.100 người tham gia BHXH. Lũy kế số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện đến nay là hơn 5.600 người. Kết quả này đã giúp BHXH huyện Hương Khê sớm hoàn thành và vượt chỉ tiêu chỉ tiêu năm 2024 (đạt trên 180% chỉ tiêu được giao).