Cán bộ Ban Quản lý các cảng cá, bến cá Hà Tĩnh khắc phục các sự cố sạt lở nhỏ ở khu neo đậu tàu thuyền để góp phần bảo vệ, bảo đảm an toàn cho các phương tiện vào tránh trú mưa bão.
Những ngày vừa qua, do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới khiến mưa lớn, biển động mạnh nên Ban Quản lý các cảng cá, bến cá Hà Tĩnh cùng các lực lượng chức năng khác đã theo dõi thời tiết sát sao, kịp thời thông tin, liên lạc với tàu thuyền để kêu gọi vào bờ tránh trú. Trong 4 ngày liền, tại Khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Cửa Sót và Cảng cá Cửa Sót có khoảng gần 300 tàu cá lớn nhỏ với khoảng 600 ngư dân trong và ngoài tỉnh vào tạm lánh thiên tai. Ở nơi neo đậu, tàu thuyền được bố trí ngay ngắn, đúng nơi quy định, được chằng néo an toàn, không để xảy ra mất an ninh trật tự.
Ngư dân Nguyễn Viết Lĩnh - chủ tàu HT 90313 TS ở thị trấn Lộc Hà cho biết: “Chúng tôi thường xuyên đi đánh bắt xa ở đảo Bạch Long Vỹ. Cách đây gần 1 tuần, chúng tôi đã nhận được thông tin từ các lực lượng chức năng yêu cầu, hướng dẫn vào bờ an toàn. Vào đến nơi neo đậu, chúng tôi được cán bộ Ban Quản lý các cảng cá, bến cá, các chiến sỹ biên phòng hỗ trợ chằng néo, thu gom ngư cụ, bảo vệ tài sản, đảm bảo an toàn. Những tàu thuyền nào bị mắc cạn hoặc gặp sự cố đều được hỗ trợ khắc phục kịp thời”.
Tàu thuyền vào âu thuyền Cửa Sót tránh trú thời tiết xấu do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới.
Mới đây, các khu neo đậu tránh trú bão ở Xuân Hội (Nghi Xuân), Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên), Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh) cũng đón khoảng 600 lượt tàu thuyền với hơn 1.000 ngư dân nội tỉnh và ngoại tỉnh vào tránh trú. Tất cả đều được hướng dẫn neo đậu đúng vị trí, được chằng néo cẩn thận để tránh va chạm nên đảm bảo an toàn cho đến khi xuất bến đi sản xuất (sáng 29/9).
Cùng với hỗ trợ ngư dân bảo vệ phương tiện, ngư cụ, Ban Quản lý các cảng cá, bến cá Hà Tĩnh đã chủ động xây dựng phương án, kịch bản sơ tán các doanh nghiệp, tiểu thương, ngư dân vào tránh trú và người dân sinh sống xung quanh khu vực cảng cá, khu neo đậu đến nơi an toàn khi có bão đổ bộ, triều cường dâng cao.
Tàu thuyền của ngư dân Kỳ Hà vào khu neo đậu được bố trí đến khu vực an toàn, các loại ngư cụ được ghép dọn cẩn thận, ngư dân được khuyến khích lên bờ.
Ông Thân Quốc Tế - Phó Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá, bến cá Hà Tĩnh cho biết: “Nếu có mưa bão cấp 8, cấp 9, chúng tôi sẽ liên tục thông báo tình hình, hỗ trợ các hộ kinh doanh sắp xếp hàng hóa, chằng néo ki-ốt, di dời tài sản và yêu cầu tất cả mọi người ra khỏi những vị trí không an toàn.
Nếu xảy ra bão mạnh trên cấp 10, đơn vị sẽ huy động xe cẩu, xe nâng, nhân lực để di dời hết tài sản, vận động hoặc cưỡng chế người vào tránh trú tại các trường học, trụ sở UBND xã; nghiêm cấm người ra cầu cảng, ra đường, ở lại âu thuyền bảo vệ tài sản. Nếu xảy ra nước dâng, đơn vị cũng có phương án chuẩn bị lương thực, nước uống, các loại nhu yếu phẩm khác và đưa người đến nơi cao ráo cách bờ biển tối thiểu 1 km”.
Cán bộ Ban Quản lý các cảng cá, bến cá Hà Tĩnh trao đổi với cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Thiên Cầm (Cẩm Xuyên) kế hoạch kiểm đếm phương tiện, đảm bảo ANTT cho ngư dân khi vào tránh trú tại Khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Cửa Nhượng.
Ngoài tiểu thương, doanh nghiệp kinh doanh tại 2 cảng cá (Cửa Sót và Xuân Hội) thì mỗi khi có thiên tai còn có khoảng 600 – 800 tàu thuyền với khoảng 1.200 – 1.700 ngư dân vào tránh trú tại các khu neo đậu tránh trú bão tàu cá.
Do đó, công tác đảm bảo an toàn về cháy nổ, va chạm, ùn tắc, an toàn vệ sinh thực phẩm và ngăn chặn trộm cắp, các tệ nạn xã hội phải luôn được đặt lên hàng đầu. Trước những nguy cơ đó, mỗi khi có mưa bão, Ban Quản lý các cảng cá, bến cá Hà Tĩnh sẽ huy động 100% cán bộ, nhân viên trực và phối hợp chặt với lực lượng công an, biên phòng, quân sự đảm bảo ổn định tình hình.
Các lực lượng chức năng hỗ trợ ngư dân Xuân Hội (Nghi Xuân) thu dọn ngư cụ khi tàu cá cập cảng tránh mưa bão.
Ông Thân Quốc Tế chia sẻ thêm: “Mỗi năm, các cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền ở Hà Tĩnh phải hứng chịu khoảng 10 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, chủ yếu tập trung vào dịp cuối năm. Vì vậy, chúng tôi đã chủ động vào cuộc, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng khác làm tốt công tác theo dõi tình hình thời tiết, kêu gọi và kiểm đếm tàu thuyền vào tránh trú, giúp đỡ chằng néo tàu thuyền và nhà cửa ở khu vực xung yếu, giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, hỗ trợ tiểu thương bảo vệ tài sản.
Qua đó, chúng tôi quyết tâm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ tài sản, tính mạng cho Nhân dân trước mưa bão, triều cường và góp phần duy trì hoạt động sản xuất ngư nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn”.