"Năm 2009, khi vợ chồng quyết định vào vùng đồi Nền Lệ (thôn Anh Hùng) khai hoang, lập nghiệp, người thân, bạn bè đều lo lắng, khuyên can vì đất này lúc ấy xa trung tâm, ít người qua lại, chỉ thấy bạt ngàn cỏ cây cao che mặt người. Điện, nước, sóng điện thoại… đều không có, hai vợ chồng chỉ còn cách dựng tạm cái lán để ở rồi tiến hành cày xới, vỡ đất, phát quang bụi rậm" - anh Trạch nhớ lại.
Anh Nguyễn Văn Trạch (người đứng bên phải) cùng cán bộ nông nghiệp xã Thượng Lộc chia sẻ niềm vui khi vụ cam năm nay được mùa.
Điều khó khăn nhất lúc đó là ở đây không có đường nên việc huy động máy móc san lấp đất, mở rộng diện tích là điều không tưởng. Hai vợ chồng phải lên đồi từ sáng đến tối mịt mới khai khẩn được gần 1,2 ha.
Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, “lấy công làm lãi”, trên diện tích này, anh trồng cam và xen canh các loại rau, củ có thời gian thu hoạch ngắn ngày, kết hợp chăn nuôi bò, trâu để có thêm thu nhập, có vốn quay vòng. Đồng thời, để tiết kiệm chi phí và đảm bảo sự phát triển bền vững của cây cam, anh Trạch đã cẩn thận lựa chọn những cây cam thân khoẻ, sai quả để chiết giống cho năm sau. Cứ như thế, sau ít năm cần mẫn, vợ chồng anh đã có hàng trăm gốc cam có chất lượng tốt, yên tâm phát triển sản xuất kinh tế vườn đồi.
Nhờ chăm sóc đúng quy trình nên vườn cam của gia đình đạt chất lượng cao, cây nào cây nấy trĩu quả.
Anh Trạch chia sẻ: “Trong quá trình phát triển, cây cam rất dễ bị nhiễm nấm dẫn đến tình trạng “cam ngơ”, ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Chỉ cần một diện tích nhỏ bị nhiễm bệnh sẽ lây lan rất nhanh ra cả vườn, rất khó phục hồi. Vì vậy, "phòng" là cách tốt nhất để "trừ" bệnh cho cam”.
Bên cạnh đó, nhằm hạn chế những tác hại của thuốc trừ sâu đối với cây cam, anh đang từng bước thay thế bằng các loại dung dịch hữu cơ tự chế hoặc chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường.
Gần 1.700 gốc cam của gia đình đang phát triển tốt, trong đó 1.000 gốc đã cho quả, đạt sản lượng hơn 30 tấn trong năm nay.
“Sau quá trình mày mò tìm hiểu, tôi đã tự điều chế được các loại thuốc phòng sâu bệnh bằng dung dịch tỏi, ớt, gừng, riềng… ngâm với rượu để phòng trừ sâu bệnh cho gần 4 ha. Đồng thời, làm phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi, thân cây ngô, rơm rạ… theo sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp huyện, đảm bảo tính bền vững của vườn cam. Tôi còn tiến hành làm đường ống để dẫn nước từ trên núi xuống hồ, chủ động nguồn tưới tiêu trong mùa nắng hạn” - anh Trạch cho biết thêm.
Với sự chăm sóc bài bản, anh đã tạo ra sản phẩm cam chất lượng cao, được nhiều khách hành tin tưởng lựa chọn.
Nhờ chăm bón khoa học, đúng tiêu chuẩn, vườn cam của gia đình anh Nguyễn Văn Trạch đang sinh trưởng và phát triển tốt, sản lượng tăng liên tục qua các năm. Chất đất, nguồn nước nơi đây cùng với sự chăm sóc bài bản của anh cũng đã tạo ra sản phẩm cam chanh chất lượng cao, được nhiều khách hành tin tưởng lựa chọn.
Gần 1.700 gốc cam của gia đình đang phát triển tốt trong đó 1.000 gốc đã cho quả, đạt sản lượng hơn 30 tấn trong năm nay, trở thành một trong những mô hình kinh tế mang lại giá trị sản xuất cao tại xã Thượng Lộc.
Thời gian tới, anh sẽ tiếp tục đầu tư để phát triển thêm mô hình kinh tế của gia đình, góp phần làm giàu cho quê hương.
Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc Nguyễn Viết Chuân khẳng định: “Sự chăm chỉ, dám nghĩ dám làm cùng khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương đã đem đến cho gia đình anh Trạch “quả ngọt” như ngày hôm nay. Bản thân anh không ngại khó, luôn tìm tòi và phát triển cái mới để nhân rộng quy mô sản xuất của gia đình, góp phần lan tỏa và khuyến khích các mô hình kinh tế tại địa phương”.