Trong khi những "sứ giả mùa xuân" chấp chới liệng bay trên bầu trời để tìm nước tắm hoặc tìm nguồn thức ăn thì đâu đó trong những cái chòi được người nông dân dựng sẵn, "tiếng" của đồng loại cất lên. Én "hồn nhiên" nghĩ bạn gọi ăn mồi liền sà xuống, chỉ trong tích tắc đã dính bẫy của những tay thợ săn dạn dày kinh nghiệm.
Những con chim mồi thường bị may mắt và cột 1 chân vào cành tre khô được trồng sẵn. Khi con chim mồi cất tiếng thì đàn én chao liệng trên không trung sẽ sà xuống và ngay lập tức bị dính vào lớp nhựa đã bôi sẵn trên cành tre.
Cũng có khi những chú chim mồi đáng thương bị chủ chòi đặt sát mép nước để gọi bầy...
Những con chim vô tư, hồn nhiên bị dính bẫy và không hề biết mình sắp bị giết làm mồi nhậu...
Người thợ săn ẩn nấp trong chòi (được nguỵ trang bằng lớp lưới đen và cành phi lao) sẽ ngay lập tức dùng sào có nhựa dính vào cánh con chim mắc bẫy đưa xuống.
... và tập kết vào lồng rồi vặt lông và đem nhập cho các nhà hàng. Mỗi con én có giá 4000 đồng. Với "năng suất" mỗi ngày 160 con/chòi, tính ra 1 ngày có hàng ngàn con chim én bị tận diệt để làm mồi nhậu.
Én mắc bẫy dù có rơi xuống đất cũng khó lòng bay lên được do chân và cánh đã bị lớp nhựa dính chặt.
Người dân xã Xuân Thành (Nghi Xuân) thường dựng chòi sát mép vũng nước, nơi én thường tìm xuống tắm hoặc ngay giữa ruộng lúa - nơi én tìm xuống bắt côn trùng để bẫy được nhiều và nhanh hơn.
Nhờ săn chim én, nhiều người dân nông thôn có thêm nguồn thu nhập đáng kể nhưng họ không ý thức được rằng, hành động của mình đang góp phần huỷ hoại môi trường sinh thái. Điều đáng nói là chính quyền địa phương cũng chưa hề có động thái nào để ngăn chặn hành vi này. Vì vậy, hàng năm, cứ đến tầm tháng 2 âm lịch, hàng ngàn con chim én lại bị tận diệt không thương tiếc.