Chuyển hình thức BOT sang đầu tư công đối với công trình cầu Cửa Hội

(Baohatinh.vn) - Lãnh đạo Hà Tĩnh vừa thông tin, Dự án đầu tư xây dựng Cửa Hội bắc qua sông Lam kết nối hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sẽ được chuyển đổi từ hình thức BOT sang hình thức đầu tư công.

Chuyển hình thức BOT sang đầu tư công đối với công trình cầu Cửa Hội

Phối cảnh cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Dương Tất Thắng, đây là đề xuất vừa được Bộ Giao thông - Vận tải gửi Thủ tướng Chính phủ sau khi đạt được sự đồng thuận với 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng cho rằng, phương án đầu tư xây dựng cầu Cửa Hội theo hình thức BOT là không phù hợp với tình hình giao thông thực tế trên địa bàn. Việc đầu tư xây dựng cầu Cửa Hội theo hình thức BOT có khó khăn do phải bố trí trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ trong điều kiện đã có trạm thu giá dịch vụ tại cầu Bến Thủy trên Quốc lộ 1A sẽ ảnh hưởng đến quyền lựa chọn của người dân khi có nhu cầu lưu thông qua sông Lam, khó được nhân dân địa phương đồng thuận.

Trước đây, việc thu giá thực hiện cho tất cả các đối tượng, tuy nhiên thời gian vừa qua thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để đảm bảo công bằng hơn cho người dân xung quanh trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đi lại nhiều lần, Bộ Giao thông - Vận tải đã phối hợp với địa phương, các nhà đầu tư BOT miễn, giảm giá cho vùng lân cận. Mặt khác, khi tuyến đường ven biển chưa được nối thông, các phương tiện lưu thông qua cầu Cửa Hội chủ yếu là dân cư trong khu vực lân cận sẽ được miễn, giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ nên làm giảm khả năng hoàn vốn của nhà đầu tư dẫn đến dự án BOT không hiệu quả tài chính và mức độ quan tâm của các nhà đầu tư cho dự án cũng giảm.

“Do vậy, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã thống nhất với Bộ Giao thông - Vận tải lựa chọn hình thức đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng cho biết.

Bộ Giao thông - Vận tải cũng đề xuất phương án xây dựng cầu chính là cầu Extradosed (kết hợp giữa cầu dây văng và cầu đúc hẫng), bề rộng cầu 16m có tổng mức đầu tư 950 tỷ đồng chỉ thực hiện trong phạm vi phần vốn Nhà nước đã cân đối, bố trí cho dự án. Phương án xây dựng theo cầu chính là cầu Extradosed và đầu tư theo hình thức đầu tư công sẽ triển khai nhanh hơn so với phương án triển khai theo hình thức BOT khoảng 1 năm do không phải thực hiện bước lựa chọn Nhà đầu tư.

Trước đó, vào tháng 8/2017, Bộ Giao thông - vận tải đã phê duyệt Đề xuất Dự án đầu tư xây dựng cầu Cửa Hội trên QL8B, theo hình thức hợp đồng BOT. Phương án xây dựng cầu chính cầu Cửa Hội đã được Bộ Giao thông vận tải đã làm việc, thống nhất với UBND các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh là cầu dây văng, bề rộng cầu 16,0m để tạo điểm nhấn kiến trúc, phù hợp với sự phát triển cảng biển và du lịch, gắn với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh.

Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến 1.669,03 tỷ đồng, trong đó: phần vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án là 950 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương: bố trí từ nguồn vốn tiếp tục còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên 450 tỷ đồng; vốn địa phương của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh 500 tỷ đồng), phần vốn Nhà đầu tư huy động là 719,03 tỷ đồng.

Đọc thêm

Giá vàng giảm xuống thấp nhất gần 2 tháng

Giá vàng giảm xuống thấp nhất gần 2 tháng

Theo các chuyên gia, giá vàng hạ nhiệt do đồng USD mạnh lên sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đồng thời chịu áp lực do lập trường ủng hộ bitcoin của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Tài chính thị trường ngày 12/11: Lãi suất cho vay khó giảm thêm

Tài chính thị trường ngày 12/11: Lãi suất cho vay khó giảm thêm

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay khó giảm thêm vì rủi ro của nền kinh tế đang ở mức cao và tỷ giá có thể diễn biến phức tạp. Chi tiết có trong Bản tin Tài chính thị trường ngày 12/11 của Báo Hà Tĩnh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.