Ảnh minh họa. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)
Lý do tăng phí được phía Tập đoạn CIENCO4 giải thích là để đảm bảo chi trả phần lớn các khoản chi cho dự án như chi phí bảo trì, vận hành, quản lý thu phí, chi trả nợ gốc, lãi vay cho ngân hàng theo hợp đồng tín dụng đã ký và không bị mất cân đối quá lớn nguồn vốn.
Hiện, CIENCO4 đang thực hiện thu phí theo mức phí quy định tại Thông tư số 51/TT-BTC ngày 24/4/2014, Thông tư số 255/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính và giảm phí 100% cho các phương tiện loại 1 và 2 của chủ sở hữu thuộc địa bàn 4 huyện lân cận trạm thu phí (thành phố Vinh, Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh, Hưng Nguyên).
Căn cứ thoả thuận tại hợp đồng và quy định tại Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 của Bộ Giao thông Vận tải về mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ, Tập đoàn CIENCO4 đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận điều chỉnh tăng mức thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ tại trạm phí Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 từ ngày 1/1/2019 theo lộ trình đã thống nhất.
Cụ thể, hiện nay, xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng có mức phí đang thực hiện là 40.000 đồng/lượt sẽ được điều chỉnh tăng lên 47.000 đồng/lượt; xe từ 12-30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn mức phí 89.000 đồng/lượt (mức cũ là 75.000 đồng/lượt); xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20feet sẽ áp dụng mức phí lên tới 142.000 đồng/lượt (mức đang thu là 120.000 đồng/lượt); Xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40feet có mức phí 212.000 đồng tăng thêm 32.000 đồng so với mức cũ là 180.000 đồng/lượt.
CIENCO4 là nhà đầu tư dự án đường tránh Vinh theo hình thức BOT với chiều dài 25,8km từ Bắc thị trấn Quán Hành (Km 448+800) đến cầu Bến Thủy cũ (Km 467+056, Quốc lộ 1) vào năm 2003 với tổng mức đầu tư 378 tỷ đồng. Đơn vị này được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận để nhà đầu tư sử dụng trạm thu phí Bến Thủy cũ (nay là trạm Bến Thủy 1) để thu phí hoàn vốn thay vì xây trạm thu phí mới trên tuyến tránh Vinh.
Đến tháng 9/2012, khi dự án xây dựng cầu Bến Thủy 2 hoàn thành và kết nối vào tuyến tránh Vinh, Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải thống nhất cho phép nhà đầu tư xây dựng trạm thu phí phụ trên đường đầu cầu Bến Thủy 2 (thu phí từ ngày 15/11/2012) để cùng trạm Bến Thủy 1 hoàn vốn cho dự án đầu tư công trình tuyến tránh Vinh.
Thực hiện chủ trương của Quốc hội và Chính phủ về việc nâng cấp, mở rộng QL1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ, Bộ Giao thông Vận tải quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Nam Bến Thủy-tránh thành phố Hà Tĩnh theo hình thức BOT với chiều dài 35,1km, tổng mức đầu tư 2.434 tỷ đồng do CIENCO4 làm nhà đầu tư.
Để tạo một hệ thống giao thông liên hoàn từ Bắc Hà Tĩnh đến Nam Nghệ An, CIENCO4 đã được Bộ Giao thông Vận tải cho phép đầu tư thêm ba hạng mục khác với kinh phí trên 600 tỷ đồng bổ sung vào dự án BOT tuyến tránh Vinh và Nam Bến Thủy-tránh thành phố Hà Tĩnh gồm dự án đầu tư sửa chữa cầu Bến Thủy cũ (17,6 tỷ đồng), cầu vượt Quốc lộ 46 với đường sắt Bắc-Nam (435 tỷ đồng) để giải quyết ách tắc khu vực phía Tây thành phố Vinh và đảm bảo an toàn giao thông cho đường sắt Bắc-Nam; Tiểu dự án cầu vượt Quốc lộ 8B với Quốc lộ 1 (156 tỷ đồng).
Sau khi CIENCO4 tăng phí, tháng 1/2016, tỉnh Nghệ Anh và Hà Tĩnh lần lượt đã có văn bản gửi các các cơ quan, ban ngành đề nghị xem xét giảm giá vé cho các phương tiện và nhân dân trong vùng thường xuyên đi qua 2 trạm thu cầu Bến Thuỷ 1 và 2.
CIENCO4 đồng ý giảm thông qua hình thức vé tháng và quý song vài tháng sau thì dừng hỗ trợ. Điều này khiến nhiều người dân bức xúc, căng băng rôn, dàn xe phản đối việc thu phí tại BOT Bến Thuỷ suốt nhiều tháng qua.
Sau đó, Bộ Giao thông Vận tải đã họp với 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và nhà đầu tư CIENCO4, đi đến quyết định miễn phí 100% cho người dân hai bên cầu./.