Cựu binh Hà Tĩnh kể chuyện tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ

(Baohatinh.vn) - Bảy thập kỷ trôi qua nhưng với cựu chiến binh Nguyễn Văn Huệ (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) những ký ức về chiến dịch Điện Biên Phủ hào hùng vẫn còn vẹn nguyên.

Trong những ngày đầu tháng 5 lịch sử, chúng tôi có dip gặp gỡ, trò chuyện với cụ Nguyễn Văn Huệ (94 tuổi, ở thôn Đại Đồng, xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh) - người từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ từ trận đánh mở màn đến thắng lợi cuối cùng. Dù đã ở lứa tuổi xưa nay hiếm nhưng cụ Huệ trông còn khoẻ mạnh và minh mẫn. Nhắc đến chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ sôi nổi và say sưa kể về những tháng ngày “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” mà mình và đồng đội đã nếm trải để làm nên một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

a2.jpg
Cụ Nguyễn Văn Huệ hào hứng kể về chiến dịch Điện Biên Phủ.

Sinh năm 1930, tháng 2/1950, khi vừa tròn 20 tuổi, người thanh niên Nguyễn Văn Huệ lên đường nhập ngũ vào Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325. Sau thời gian huấn luyện tân binh, Nguyễn Văn Huệ được chuyển vào Bình Trị Thiên, tham gia chiến đấu trên nhiều mặt trận, trong đó có nhiều các trận đánh quyết định ở Đồng Hới (Quảng Bình); Đông Hà, Triệu Phong (Quảng Trị)…

Đầu năm 1954, đơn vị ông Huệ được lệnh chuyển lên Điện Biên Phủ và trực tiếp tham gia vào chiến dịch. Sau đợt chỉnh huấn, ông làm nhiệm vụ đào giao thông hào xuyên lòng núi, mở đường cho quân ta tiếp cận và tiêu diệt quân thù.

Với sức trẻ, ý chí và tinh thần quyết chiến, quyết thắng, không kể ngày hay đêm, với những dụng cụ thô sơ: cuốc, xẻng..., ông Huệ và đồng đội đã xẻ từng tấc đất để tiếp cận căn cứ của địch. Lượng đất mới đào ra phải đưa đi hàng trăm mét và đổ xuống vực; đào hào đến đâu, dùng cành cây phủ lên đến đó để tránh địch phát hiện.

Không chỉ gian nan trên các tuyến giao thông hào, ông Huệ còn nhớ như in những trận giằng co ác liệt giữa ta với địch. Không có thời gian để ăn uống, nghỉ ngơi, mỗi ngày, ông và đồng đội chỉ được tiếp tế vài vắt cơm nắm và muối trắng; nhiều khi chưa nuốt hết miếng cơm cuối cùng, có báo động là phải bỏ bữa để cầm súng chiến đấu.

Tham gia hầu hết các trận đánh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng để lại nhiều dấu ấn nhất đối với ông Huệ, là trận đánh cứ điểm đồi Him Lam.

“Nhận lệnh tấn công cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi ai cũng tự hào và háo hức khi được tham gia trận đánh mở màn của chiến dịch lịch sử”, ông Huệ nhớ lại.

Chiều ngày 13/3/1954, quân ta chính thức khai hoả, tấn công cứ điểm Him Lam. Pháo của ta đồng loạt nã đạn vào trận địa. Cùng lúc, binh chủng bộ binh ào ạt tấn công. Sau những phút bất ngờ, địch tập trung phản công với hoả lực cực mạnh và tạo nên thế giằng co quyết liệt. Tuy nhiên, trước khí thế tấn công dâng cao, ồ ạt, lực lượng của ta đã nhanh chóng phá tan hàng phòng thủ của địch, tiến sát vào sào huyệt của chúng. Và chỉ trong vòng một đêm, một ngày, quân ta đã hoàn toàn làm chủ cứ điểm.

A3.jpg
Bộ đội ta xông lên chiếm cứ điểm Him Lam, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, chiều 13/3/1954. Ảnh tư liệu.

“Mặc dù giữ được thế chủ động nhưng không ít lần quân ta lâm vào những phút căng thẳng, hiểm nguy đến tột đỉnh. Song, với ý chí, niềm tin, sự mưu trí, gan dạ và nỗ lực cao nhất, chúng tôi đã vượt qua chính mình trước khi chiến thắng kẻ thù”, ông Huệ nói.

Sau chiến thắng trận đầu Him Lam, theo mệnh lệnh của chỉ huy chiến dịch, ông Huệ và đồng đội tiếp tục đánh chiếm và lần lượt tiêu diệt địch tại các cứ điểm khác trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ như: đồi Độc Lập, đồi A1, Bản Kéo, uy hiếp sân bay Mường Thanh, đưa quân địch rơi vào tình thế bị động, mất tinh thần cao độ...

17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, ta chiếm sở chỉ huy của địch, tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra hàng. Lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của quân ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch.

A4.jpg
17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát. Ảnh tư liệu

70 năm đã trôi qua, nhưng với CCB Nguyễn Văn Huệ, chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa vẫn như một thước phim quay chậm. Trong ký ức của cụ, kỷ niệm về cuộc chiến không chỉ là những gian nan, nguy hiểm, không chỉ là niềm vui chiến thắng, mà sâu đậm nhất, đó là những giọt máu, là ánh mắt trao gửi và những lời trăn trối, dặn dò của đồng đội trước phút hy sinh...

Trong những ngày “khoét núi, ngủ hầm”, cầm cự với địch, ông không nhớ nổi bao nhiêu lần, đã bế trên tay những thương binh nặng hoặc những đồng đội hy sinh ra tuyến sau. Mỗi khi nhắc đến những đồng đội đã nằm lại chiến trường, ông không khỏi nghẹn ngào.

a1.jpg
CCB Nguyễn Văn Huệ với những tấm huy hiệu do Đảng và Nhà nước trao tặng.

Sau những năm tháng trong quân ngũ, năm 1970, ông Nguyễn Văn Huệ xuất ngũ trở về quê, tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương. Dù ở đâu, làm gì, ông cũng luôn giữ vững và phát huy phẩm chất anh Bộ đội Cụ Hồ, tinh thần Điện Biên năm xưa; tích cực vận động con cháu và Nhân dân chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 3 người con trai của ông đều tham gia chiến đấu tại các mặt trận Lào, Campuchia và khi trở về quê hương, đều là những công dân gương mẫu, đi đầu trong các phong trào phát triển của địa phương.

"Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng lẫy lừng của quân đội, Nhân dân ta; mốc son chói lọi của lịch sử. Tôi mong rằng tinh thần của những năm tháng "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non", chiến đấu đầy gian khổ, mà hào hùng của các thế hệ đi trước sẽ là động lực để các thế hệ hôm nay và mai sau ra sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh", CCB Nguyễn Văn Huệ mong mỏi.

Chủ đề 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Đọc thêm

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Dưới sự chủ trì phối hợp của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, các lực lượng công an, quân sự, hải quan, kiểm lâm… đã cùng vào cuộc hiệu quả chung tay bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Trước diễn biến phức tạp của bão số 6, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

Mô hình “Mẹ đỡ đầu” đối với những trẻ em mồ côi của Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần giúp các cháu vơi bớt khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.