Cụ Trần Hậu Hòa (SN 1928) nguyên là Chủ tịch UBND huyện Can Lộc (1968-1972), từng có mặt trong đoàn biểu tình, đòi chính quyền tháng 8/1945.
Cụ Trần Hậu Hòa kể: “Tôi sinh năm 1928 tại thôn Lương Hội, trong một gia đình trung nông. Thời ấy, cũng như bao nông dân Can Lộc khác, chúng tôi chịu đủ thứ áp bức, bóc lột từ chính quyền thống trị. Không chỉ sưu cao, thuế nặng, bọn cường hào, ác bá trong làng còn lộng hành ra tay đàn áp người dân”.
Cụ Hòa nhớ mãi năm 15 tuổi, cụ thay người cha đang ốm liệt giường đi phu làm cầu Nậy (nay thuộc xã Khánh Vĩnh Yên). Tuy cụ đã cố gắng hết sức, lao động như một người lớn nhưng tay cường hào trong làng lấy lý do cụ chưa đến tuổi đã kêu người đánh đập dã man. Không những thế, chúng còn bắt gia đình phải nộp phạt gấp đôi…
Nông dân Việt Nam thời Pháp thuộc trước năm 1945. Ảnh: Tư liệu
Chính từ những áp bức đó mà cụ Hòa đã nuôi dưỡng ý chí theo cách mạng. Vì vậy, giữa tháng 8/1945, khi Việt Minh kêu gọi Nhân dân Can Lộc đứng lên giành chính quyền, người thanh niên 17 tuổi Trần Hậu Hòa đã xung phong đứng vào hàng ngũ đoàn biểu tình.
“Đó là sáng ngày 17/8/1945. Đoàn biểu tình của chúng tôi khoảng 300 người áo nâu, chân đất cầm cờ đỏ sao vàng, búa liềm và biểu ngữ nối hàng dài từ Đông Lâm (xã Khánh Vĩnh Yên) về Trảo Nha (thị trấn Nghèn). Tại sân vận động huyện Can Lộc, hàng trăm quần chúng Nhân dân các xã lân cận cùng đội tự vệ vũ trang Trảo Nha đã hô vang khẩu hiệu đòi chính quyền tay sai phải đầu hàng.
Tôi không thể quên được cảnh tượng lần đầu tiên bọn tay sai khúm núm đầu hàng vô điều kiện trước Nhân dân. Tôi nhận ra cách mạng là con đường duy nhất để những người dân nô lệ như chúng tôi thoát khỏi ách áp bức, giành độc lập, tự do” - cụ Hòa nhớ lại.
Dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Khởi nghĩa Việt Minh do đồng chí Lê Hồng Cơ dẫn đầu, Can Lộc đã trở thành huyện đầu tiên của Hà Tĩnh giành chính quyền về tay Nhân dân. Ngày 2/9/1945, cùng với hàng triệu đồng bào cả nước, cụ Trần Hậu Hòa đã hân hoan tham gia mít tinh chào đón ngày tuyên bố độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ôn lại ký ức ngày tổng khởi nghĩa, cụ Hòa vẫn thấy bồi hồi trong tim
Ngay sau khi đất nước được độc lập, cụ Trần Hậu Hòa đã tham gia cống hiến ở nhiều vai trò như: tham gia dạy bình dân học vụ, Đại đội trưởng Đội dân quân, du kích của xã Đông Lâm. Năm 1948, cụ được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi vừa tròn 20 tuổi.
Từ năm 1948 - 1960, cụ trải qua nhiều vị trí công tác, như: Xã đội phó, Ủy viên Ban Hành chính kháng chiến xã Hồng Phong (nay là xã Khánh Vĩnh Yên và Gia Hanh); Thường vụ Đảng ủy, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Lộc (nay là xã Khánh Vĩnh Yên). Sau đó, cụ Hòa được Tỉnh ủy cử đi học tại Trường Tuyên giáo Trung ương ở Hà Nội.
Sau 4 năm tốt nghiệp Trường Tuyên giáo Trung ương, cụ Trần Hậu Hòa trở về Huyện ủy Can Lộc công tác và được bầu làm Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy (1965-1966), rồi giữ chức Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy (1967). Tháng 2/1968, cụ được đề bạt Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Can Lộc khóa XX (1968-1972).
Trở thành “thuyền trưởng” của huyện Can Lộc khi tại đây đang trở thành điểm nóng bắn phá ác liệt của đế quốc Mỹ, nhất là Ngã ba Đồng Lộc - huyết mạch giao thông của chiến trường miền Nam, trách nhiệm của cụ Hòa nặng nề hơn bao giờ hết.
Thôn Lương Hội (xã Khánh Vĩnh Yên, Can Lộc) ngày nay.
Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Xuân Lứ - nguyên Đội trưởng Đội Rà phá bom mìn thuộc Phòng Giao thông Can Lộc kể: “Giai đoạn 1964-1972, chính quyền Can Lộc luôn dành sự quan tâm đặc biệt và sâu sát với lực lượng chiến đấu và Nhân dân. Hễ nơi nào bom nổ, nơi nào có hy sinh, thương vong là lãnh đạo huyện đều có mặt kịp thời. Có thể nói lúc ấy, cùng với chúng tôi, cụ Trần Hậu Hòa cũng là một chiến sĩ, một chỉ huy có mặt khắp nơi trong cuộc chiến”.
Nói về thời điểm đó, cụ Hòa nhớ lại: “Dù trụ sở nơi làm việc chỉ cách nhà chừng 1 cây số (UBND huyện Can Lộc đóng ở thôn Kiều Mộc, xã Khánh Lộc cũ) nhưng suốt cả năm tôi không thể về nhà. Bởi lúc đó, hàng vạn chiến sĩ, đồng bào đang ngày đêm chiến đấu, tôi không thể vì việc riêng mà rời vị trí”.
Thị trấn Nghèn ngày nay nhìn từ trên cao. Ảnh: Thanh Hải
Sau năm 1972, cụ Trần Hậu Hòa được chuyển công tác làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi hợp nhất tỉnh Nghệ Tĩnh, cụ làm Trưởng ban Thanh tra Sở Nông nghiệp Nghệ Tĩnh và về hưu vào năm 1980.
Với những người như cụ Hòa, Cách mạng tháng Tám không chỉ là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc mà còn là một dấu mốc quan trọng làm thay đổi cuộc đời riêng. Và, trong những ngày lịch sử này, tiếng mùa thu năm xưa lại vọng về đầy xúc cảm…