Bưởi Phúc Trạch đang vào mùa thu hoạch với sản lượng lớn, năng suất cao.
Khắp huyện miền núi Hương Khê dịp này, nơi nào cũng trĩu trịt bưởi Phúc Trạch. Theo số liệu từ Phòng NN&PTNT huyện, năm 2021, toàn huyện có hơn 2.700 ha bưởi với sản lượng ước đạt 21 nghìn tấn (giá trị sản xuất khoảng 700 tỷ đồng). Ngoài sản lượng lớn, bưởi Phúc Trạch trong vụ 2021 cũng được nhiều nhà vườn chăm sóc tốt, đạt tiêu chuẩn VietGap.
Được biết, hiện đã có một số vùng thấp trũng trên địa bàn huyện cho thu hoạch bưởi, diện tích thu hoạch ước đạt gần 10 ha.
Mùa bưởi năm nay, việc tiêu thụ của bà con nông dân Hương Khê đang gặp một số trở ngại do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nếu như các năm trước, các thương lái đặt hàng, đặt cọc thu mua theo từng vườn hộ với số lượng lớn thì năm nay thương lái mua rất ít.
Theo thông tin từ Sở Công thương Hà Tĩnh, mỗi năm, các thương lái tiêu thụ đến 75% sản lượng bưởi nên năm nay việc thương lái hạn chế thu mua phần nào ảnh hưởng đến tâm lý bà con.
Bưởi Phúc Trạch năm nay được nhiều nhà vườn chăm sóc tốt, đạt tiêu chuẩn VietGap.
Chị Trần Thị Lường (thôn Phú Lễ, xã Hương Trạch) chia sẻ: "Tôi có 3 sào bưởi Phúc Trạch với số lượng hơn 3.500 quả. Trong đó, có 1 sào bưởi trồng ở khu vực thấp trũng, hằng năm đều bán sớm cho thương lái để tránh lũ lụt.
Năm nay, các thương lái không thu mua cả vườn mà chỉ mua lẻ với số lượng vài chục quả/lần nên gia đình đang lo lắng. Giá bưởi tại vườn cũng tương đương với năm trước, dao động từ 15 – 25 nghìn đồng/quả. Chúng tôi đang tranh thủ nhờ người thân rao bán trên mạng xã hội như Facebook, Zalo... để tránh ế hàng.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại khu vực Ga Hương Phố (chợ bưởi tự phát tại thị trấn Hương Khê - PV), hoạt động mua – bán bưởi Phúc Trạch cũng khá trầm lắng. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, chính quyền địa phương không cho phép tụ tập đông người nên người dân tách thành từng tốp nhỏ để bán bưởi. Hiện tại, mỗi ngày, tại khu vực này chỉ tiêu thụ khoảng 5.000 quả bưởi, chủ yếu đến thị trường TP Hà Tĩnh và Vinh (Nghệ An).
Cũng xoay xở kinh doanh trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, HTX Sản xuất, kinh doanh tổng hợp Nhật Hằng (thôn Thái Yên, xã Lộc Yên) đang tranh thủ thời gian đầu vụ để chuẩn bị các thủ tục, giấy tờ cần thiết để có thể vận chuyển bưởi đến các thị trường ngoại tỉnh.
HTX Sản xuất, kinh doanh tổng hợp Nhật Hằng đang hoàn thiện các điều kiện để dán tem truy xuất nguồn gốc.
Chị Nguyễn Thị Hằng - Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh tổng hợp cho hay, đơn vị có 10 xã viên với diện tích sản xuất bưởi Phúc Trạch là 5,5 ha, sản lượng năm nay ước đạt khoảng 70 tấn. Thời gian này, chúng tôi đang tập trung hoàn thiện quy trình để dán tem truy xuất nguồn gốc; tìm hiểu cách thức vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương, đặc biệt là Hà Nội - một trong những thị trường có nhiều đối tác tiêu thụ nhất với HTX trong các năm qua.
Đến nay, HTX đã có xe tải có thể vận chuyển sản phẩm đến các tỉnh, thành khác. Hiện một số siêu thị cũng đã cấp giấy lưu thông hàng hóa (luồng xanh) cho HTX. Do vậy, khi có đủ đơn hàng, tài xế chỉ cần thực hiện xét nghiệm, có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 là có thể vận chuyển bưởi đến khách hàng.
Đặc biệt, qua hướng dẫn, hỗ trợ của chính quyền các cấp, HTX cũng đã kết nối với các sàn giao dịch thương mại điện tử để bán hàng. Các sàn giao dịch này cũng cam kết sẽ hỗ trợ tiêu thụ bưởi với sản lượng lên đến hàng trăm tấn.
Việc kết nối với một số siêu thị để tiêu thụ là một kênh bán bưởi hiệu quả đang được các cơ sở trên địa bàn triển khai.
Cũng theo nhiều chủ vườn và cơ sở sản xuất, kinh doanh bưởi Phúc Trạch, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc tiêu thụ trong năm nay sẽ không thuận lợi như các năm trước, nhất là với các đơn hàng lẻ với số lượng dưới 1.000 quả. Các đơn hàng này nếu vận chuyển bằng xe tải thì chi phí vận tải quá cao, còn các phương tiện vận chuyển khác như xe khách, tàu hỏa… thì đã phải dừng hoạt động hoặc cắt tuyến để phòng, chống dịch...
Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Phan Kỳ cho biết, để đồng hành cùng người dân trong việc tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương, huyện đang chuẩn bị thành lập tổ công tác hỗ trợ tiêu thụ bưởi Phúc Trạch. Thời gian qua, Hương Khê cùng với ngành nông nghiệp đã nỗ lực để thực hiện chuyển đổi số đối với cây bưởi Phúc Trạch, tạo điều kiện cho người dân tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, HTX đi đến các địa phương khác để tiêu thụ bưởi theo quy định.
Chúng tôi cũng đang kêu gọi và tạo điều kiện thuê đất, đấu giá và hỗ trợ kinh phí để các doanh nghiệp, người dân đầu tư xây dựng kho bảo quản bưởi và cam (theo Nghị quyết số 123/2018/NQ-HĐND năm 2018 của HĐND tỉnh). Thời gian tới, huyện cũng tiếp tục tăng cường các giải pháp tuyên truyền người dân tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế trong quá trình thu hoạch để đảm bảo phòng dịch".
Tại hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tiêu thụ sản phẩm bưởi Phúc Trạch do UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức ngày 6/8, ông Bùi Huy Hoàng - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho hay: để bưởi Phúc Trạch nói riêng, các mặt hàng nông sản khác của Hà Tĩnh nói chung mở rộng kênh tiêu thụ trong giai đoạn dịch bệnh cần có sự liên kết chặt chẽ trong việc vận chuyển hàng hóa trên cơ sở đảm bảo yêu cầu phòng dịch. Hà Tĩnh cũng cần chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá hình ảnh nông sản tiêu biểu thông qua hình thức truyền thông đa kênh. Đề nghị Hà Tĩnh cung cấp cho Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số danh sách các HTX, nhà vườn có sản phẩm nông sản chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn VietGap cũng như các loại chứng nhận chất lượng để Cục phối hợp với các sàn thương mại điện tử giúp bà con nông dân đưa bưởi Phúc Trạch sớm hiển thị trên môi trường trực tuyến. |