Phó trưởng Đoàn phụ trách ĐBQH Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn tham gia thảo luận tại hội trường
Trước hết, đại biểu bày tỏ sự đồng tình về việc sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội, tuy nhiên, việc sửa đổi cần căn cơ hơn. Qua thực tiễn đổi mới ngày càng dân chủ, công khai của Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nhân dân, vừa qua được cử tri hết sức ghi nhận và kỳ vọng.
Vì vậy, cần có sự đánh giá tổng kết để bảo đảm ngày càng tốt hơn vị thế và chức năng của Quốc hội. Đồng thời, mở rộng phạm vi nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung dự án luật về tổ chức bộ máy đúng chất lượng, uy tín hoạt động hiệu lực, hiệu quả của Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Đoàn ĐBQH cũng như các ĐBQH.
Đại biểu nhất trí với việc giữ nguyên quy định không quá 500 ĐBQH, nhưng đề nghị tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách lên mức 40%, qua đó bổ sung các đại biểu là chuyên gia giỏi làm việc trong Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội. Trường hợp đoàn ĐBQH có trên 10 đại biểu, ngoài phó trưởng đoàn chuyên trách, bổ sung thêm ĐBQH chuyên trách do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Ngoài ra, giảm hợp lý số lượng ĐBQH trong các cơ quan hành pháp, tư pháp.
Thứ hai, với vai trò và vị thế hết sức quan trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc đã thực sự đóng góp lớn, nâng tầm của Quốc hội. Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh cho rằng, cần tiếp tục rà soát, bổ sung một số chức năng, nhiệm vụ và Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số nội dung, vấn đề mang tính cấp bách, cần thiết phát sinh giữa hai kỳ họp nhằm xử lý kịp thời hơn các nội dung Chính phủ trình, để từng bước rút ngắn thời gian các kỳ họp và nâng cao chất lượng kỳ họp Quốc hội.
Thứ ba, đại biểu Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh bộ máy hiện nay của Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội ngoài các chức danh chủ nhiệm, các phó chủ nhiệm, các ủy viên thường trực, cần nghiên cứu, bổ sung đại biểu chuyên trách, chuyên gia giỏi, chuyên sâu những lĩnh vực thuộc ủy ban phụ trách, từ đó phát huy hiệu quả, chất lượng xây dựng luật, giám sát, thẩm định mang tính chuyên ngành trên cơ sở có chính sách thu hút người tài năng đầy tâm huyết, bản lĩnh và tăng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách.
Đồng thời, cần nghiên cứu, đánh giá đầy đủ để nâng cấp Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện thành cơ quan chuyên môn của Quốc hội. Qua đó khẳng định vị thế và nâng tầm của các cơ quan dân cử để chăm lo khâu tổ chức cho Quốc hội, ĐBQH. Bên cạnh đó, nghiên cứu các nội dung, chính sách, kỹ năng trong mối quan hệ hướng dẫn cho HĐND các cấp được đồng bộ.
Ban Dân nguyện thuộc Quốc hội là cơ quan đại diện tiếng nói, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri, thông qua ban, ý kiến, kiến nghị của cử tri được giải quyết tốt hơn và để nâng cao chất lượng bộ máy, Quốc hội bổ sung thêm chức năng nhiệm vụ giám sát, thẩm định, xây dựng pháp luật cho Ban Dân nguyện.
Thứ tư, về vai trò và vị thế ĐBQH, các đoàn ĐBQH, đại biểu Nguyễn Văn Sơn cho rằng, quy định trong luật hiện hành khá rõ nhưng chưa thực sự đầy đủ, vì vậy, cần nghiên cứu hoàn thiện về uy tín, năng lực, trình độ, bản lĩnh của người đại biểu, cùng với đó là vai trò, vị thế của Đoàn ĐBQH ở từng địa phương. Nếu quy định trong dự thảo thì không tạo được điều kiện và phát huy tốt năng lực của đại biểu.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Văn Sơn, ngân sách hoạt động của ĐBQH phải do Quốc hội quyết định. Mặt khác, cơ chế quản lý, đánh giá phải có sự thống nhất với Ban Tổ chức Trung ương trong hệ thống cán bộ của Đảng, cấp ủy hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, MTTQ và đoàn ĐBQH không phải thành phần giới thiệu thêm như một số địa phương hiện nay đang thực hiện.
Cuối cùng, về văn phòng Đoàn ĐBQH, đại biểu Nguyễn Văn Sơn cho rằng, Thường vụ Quốc hội có đánh giá tổng kết một năm hoạt động thí điểm tại 12 địa phương, để có những quy định cụ thể và thống nhất về tổ chức bộ máy trong Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Phó trưởng Đoàn phụ trách ĐBQH Hà Tĩnh đề nghị Chánh văn phòng HĐND là thành viên của thường trực HĐND và chánh văn phòng UBND là ủy viên UBND. Bởi thực tế chức năng của các văn phòng ngoài việc phục vụ còn điều hành, đôn đốc, tham gia nội dung công việc, do đó, người đứng đầu văn phòng cần có vị thế, tiếng nói trong HĐND và UBND.
Nếu quy định chánh Văn phòng không là thường trực HĐND, thành viên UBND, sẽ khó khăn, bất cập trong quản lý, điều hành, đặc biệt trong điều kiện áp dụng công nghệ mới, chính phủ điện tử trong xử lý, chỉ đạo công việc.
Ngoài ra, việc sáp nhập văn phòng, vai trò của trưởng đoàn, phó trưởng đoàn chuyên trách cần được khẳng định trong các tổ chức Đảng, đoàn thể để đánh giá chức năng, thi đua của cán bộ văn phòng.