Sáng 1/10, Ngân hàng CSXH Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác giai đoạn 2015 - 2020. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.
Thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Ngân hàng CSXH đã thực hiện phương thức ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua các tổ chức CT-XH, cùng với việc hình thành mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) đến các thôn, ấp, bản, làng trên toàn quốc.
Trong giai đoạn 2015 – 2020, các chương trình tín dụng và khối lượng tín dụng Ngân hàng CSXH thực hiện cho vay ủy thác thông qua các tổ chức CT-XH ngày càng tăng.
Đến 31/8/2020, tổng dư nợ chương trình tín dụng thực hiện theo phương thức này là 220.545 tỷ đồng (chiếm hơn 99,5% tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH), tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt trên 11,8%.
Thông qua các mạng lưới tổ TK&VV, Hà Tĩnh tạo điều kiện để người dân tiếp cận tốt hơn với nguồn vốn tín dụng chính sách.
Trong quá trình triển khai hoạt động ủy thác, Ngân hàng CSXH và các tổ chức CT-XH thường xuyên củng cố, sắp xếp lại mạng lưới tổ TK&VV. Đến nay, toàn quốc đã có hơn 173.700 tổ TK&VV hoạt động hiệu quả với gần 6,5 triệu tổ viên còn dư nợ.
Việc thực hiện ủy thác một số nội dung công việc cho các tổ chức CT-XH đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng tín dụng. Tỷ lệ thu hồi nợ đến hạn đạt 94% (tăng 23% so với 2014). Các vụ việc chiếm dụng vốn được tập trung xử lý, kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động tín dụng được thiết lập.
Cùng với đó, tỷ lệ thu lãi tăng dần qua từng năm, đảm bảo thu đúng, thu đủ, giảm thiểu lãi tồn đọng. Bên cạnh đó, các tổ chức CT-XH đã quan tâm, phối hợp với Ngân hàng CSXH làm tốt công tác vận động tổ viên tổ TK&VV tham gia thực hiên quy ước về tiền gửi tiết kiệm định kỳ hằng tháng, mang lại hiệu quả thiết thực.
Toàn cảnh điểm cầu Hà Tĩnh.
Ngân hàng CSXH đã phối hợp với chính quyền địa phương, cấp hội tổ chức tốt việc giao dịch tại hơn 10.400 điểm giao dịch xã. Trên 92% tổng giá trị giao dịch của Ngân hàng CSXH với người nghèo và các đối tượng chính sách khác được thực hiện tại đây, đảm bảo chính xác, nhanh chóng, thuận lợi và an toàn.
Tại hội nghị, đại diện chính quyền, Ngân hàng CSXH, tổ chức CT-XH các tỉnh, thành: Lai Châu, Hưng Yên, Cần Thơ, Sơn La... đã làm rõ kết quả đạt được, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Các đại biểu điểm cầu Hà Tĩnh theo dõi thông tin tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam Dương Quyết Thắng khẳng định hoạt động ủy thác cho vay thông qua các tổ chức CT-XH là một kênh dẫn vốn quan trọng để tín dụng chính sách xã hội đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác nhanh chóng, thuận lợi.
Vì thế, Ngân hàng CSXH, các tổ chức CT-XH được ủy thác, ban, ngành liên quan tiếp tục tham mưu và tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Đồng thời, tập trung huy động, khơi tăng nguồn vốn, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng theo chỉ tiêu kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Ngân hàng CSXH chủ động tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý.
Đối với các tổ chức CT-XH, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội; phối hợp với Ngân hàng CSXH nơi cho vay, chính quyền nâng cao chất lượng, hiệu quả và đảm bảo an toàn cho hoạt động giao dịch tại xã.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Tại điểm cầu Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh đánh giá cao vai trò của tín dụng chính sách đặc biệt là cho vay ủy thác thông qua các tổ chức CT-XH (chiếm 99,83% tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH) đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian qua.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị tiếp tục thực hiện tốt phương thức cho vay ủy thác thông qua các tổ chức CT-XH; Ngân hàng CSXH, địa phương tập trung tuyên truyền, công khai, minh bạch để người dân hiểu rõ về cơ chế ưu đãi tín dụng chính sách.
Đồng thời, thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng của các tổ TK&VV; rà soát hồ sơ của người dân, tránh bỏ sót đối tượng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo, đối tượng chính sách; hướng dẫn người dân thủ tục đầy đủ, tạo điều kiện để được vay vốn thuận lợi và nhanh chóng.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện xử lý dứt điểm, kịp thời các vi phạm liên quan đến tín dụng chính sách; đôn đốc, thu hồi nợ đến hạn, tránh phát sinh nợ xấu, có kiến nghị những vướng mắc từ cơ sở lên các cấp có thẩm quyền …
Ngân hàng CSXH Hà Tĩnh đóng vai trò trung tâm, phối hợp với các tổ chức hội, chính quyền địa phương nắm bắt, hoàn thiện hồ sơ, tháo gỡ các vướng mắc cho người dân.
Đối với Hà Tĩnh, đến 31/12/2019, dư nợ thực hiện theo phương thức cho vay ủy thác thông qua các tổ chức CT-XH là 4.700,2 tỷ đồng (chiếm 99,83% tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH). Trong quá trình triển khai thực hiện hoạt động ủy thác, Ngân hàng CSXH và các tổ chức CT-XH tiếp tục xây dựng, củng cố và sắp xếp lại mạng lưới tổ TK&VV. Toàn tỉnh hiện có gần 3.420 tổ với hơn 117.179 tổ viên còn dư nợ. Thông qua hoạt động ủy thác với Ngân hàng CSXH, thành viên của các tổ chức CT-XH được tiếp cận với vốn tín dụng chính sách thuận tiện, giảm tình trạng cho vay nặng lãi, bảo toàn nguồn vốn của Nhà nước ở mức độ cao, từng bước vươn lên làm giàu, xây dựng quê hương. |