Tràng Lưu (còn gọi là Trường Lưu) vốn nổi danh với nghề dệt vải, với điệu hát ví phường vải nức lòng người. Tràng Lưu cũng đi vào “cảo thơm” với 8 cảnh đẹp hiếm có được tạo nên bởi Thám hoa Nguyễn Huy Oánh. Nếu như tiền nhân đã có công kiến tạo thì hậu thế lại có những người cần mẫn, lặng lẽ gìn giữ báu vật của cha ông. Chính những con người ấy đã đưa Trường Lưu vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, bước ra thế giới bằng 3 di sản văn hóa phi vật thể: Mộc bản trường học Phúc Giang, Hoàng Hoa sứ trình đồ và góp phần quan trọng vào di sản dân ca ví, giặm.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Hà (người thứ 2 từ trái sang) tập hát dân ca ví giặm cho các em học sinh xã Trường Lộc
Điệu ví phường vải Trường Lưu xưa được hát bởi những người con gái nết na, thùy mị thu hút văn nhân tài tử xa gần. Ngày nay, nghề dệt vải tuy đã mai một nhưng điệu hát ví phường vải vẫn được lưu giữ. Các bà, các mẹ vẫn hát trong những sinh hoạt tập thể của thôn, xã và truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Nổi tiếng nhất làng Trường Lưu hiện nay là Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hà. Bà không chỉ hát mà còn truyền dạy và sưu tầm, sáng tác. Bà Hà cho biết: “Ví phường vải Trường Lưu do có sự tham gia ứng tác của danh nhân tài tử xa gần nên lời hát có tính bác học, uyên thâm. Muốn hát hết cái tình trong những bài ví phường vải thì cần phải hiểu hết được lời ca. Trong quá trình sưu tầm, học hát những bài hát cổ, chúng tôi cũng phải tìm hiểu rất sâu qua nhiều “kênh” để có thể thấm nhuần hết ý nghĩa của bài hát. Như thế mới hát hay được và mới truyền dạy cho thế hệ trẻ được”.
Các nghệ nhân, thành viên các câu lạc bộ dân ca ví giặm ở Trường Lộc đều cho rằng muốn hát hết cái tình trong những bài ví phường vải thì cần phải hiểu hết được lời ca
Hiện nay, nghệ nhân Nguyễn Thị Hà sinh hoạt ở 3 câu lạc bộ dân ca ví, giặm của thôn Tân Tiến, Đồng Thạc và xã Trường Lộc. Bà đã cùng với các nghệ nhân, diễn viên của các câu lạc bộ này giành nhiều giải thưởng lớn nhỏ ở các kỳ liên hoan. Tuy nhiên, với bà, gia tài lớn nhất đóng góp cho di sản này chính là hàng trăm bài hát do bà sáng tác lời mới trên những làn điệu cổ. Mỗi ngày, người nghệ nhân ngoại thất thập vẫn say sưa học hát, tập hát cho thế hệ trẻ. Nhờ những người như bà mà những giá trị văn hóa cổ xưa vẫn được lưu giữ, phát huy giá trị trong đời sống hiện đại…
Trường Lưu thời gian qua còn nằm trong sự quan tâm của các nhà khoa học trong nước, quốc tế bởi “hiện tượng” một dòng họ có 2 di sản văn hóa thế giới. Người có công lớn nhất trong việc đưa 2 di sản này góp mặt vào văn hóa nhân loại là Giáo sư - Viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ - hậu duệ đời thứ 16 của dòng họ Nguyễn Huy.
Giáo sư - Viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ - hậu duệ đời thứ 16 dòng họ Nguyễn Huy, người có công lớn trong cuộc đưa di sản dòng họ hòa nhập vào văn hóa thế giới.
Giáo sư - Viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ là nhà khoa học ở lĩnh vực năng lượng nhưng trân trọng di sản của tiền nhân, ông đã dành nhiều thời gian để sưu tầm, gìn giữ. Ông coi đó là sứ mệnh đặc biệt nên đã trở về xây dựng một ngôi nhà nhỏ ở quê mẹ Song Lộc, kế bên quê cha. Trong ngôi nhà đó, ông dành phần lớn diện tích để cất giữ di sản của cha ông: “Năm 1984, tôi chính thức bắt đầu công việc kiếm tìm và lưu giữ những di sản của dòng họ. Trong quá trình đó, tôi phát hiện ra rất nhiều giá trị nổi bật mà cha ông để lại và có ý định xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận. Để có được hồ sơ trình UNESCO công nhận Mộc bản trường học Phúc Giang và Hoàng Hoa sứ trình đồ là di sản tư liệu ký ức thế giới, tôi và con cháu trong họ đã dày công sưu tầm các cuốn sách cổ của dòng họ Nguyễn Huy đã in, đã lưu trong Thư viện Phúc Giang để phục chế. Thậm chí, tôi đã rất nhiều lần tìm kiếm sách cổ của Thư viện Phúc Giang tại các thư viện quốc tế lẫn thư viện gia đình của các học giả trong nước. Nhờ đó, mới có được gia tài như hiện nay”.
Học sinh Trường Tiểu học Trường Lộc say sưa tìm hiểu về di sản Hoàng hoa sứ trình đồ.
Ông còn cho biết thêm: “Vẫn còn nhiều giá trị của cha ông ẩn sâu trong những trang sách cổ cần được khai thác. Tôi nguyện đem hết sức mình để làm cho những giá trị đó tỏa sáng giữa cộng đồng”.
“Phong cảnh thế, dân phong là thế/ Đất Tràng Lưu dài để về sau” - lời cổ nhân quả không sai khi những di sản cha ông để lại đang được hậu thế dày công gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị.