Mỗi tháng ít nhất một lần, không ai bảo ai, những người con cháu của cụ Lê Văn Bích, Trần Thị Lý (tổ dân phố 1, phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh) lại trở về quây quần bên nhau, cùng chuẩn bị bữa cơm đoàn tụ. Bằng bữa cơm gia đình, các cụ dạy con cháu nữ công gia chánh và dạy cả những việc người chồng, người cha, người con trai có thể phụ giúp mẹ, giúp vợ trong chuẩn bị bữa cơm hàng ngày.
Rót nước mời ông bà, bố mẹ sau bữa ăn là một cử chỉ nhỏ nhưng chứa đựng nét ứng xử đẹp được duy trì trong nhiều gia đình.
Lúc này, những bận rộn, vướng mắc công việc được lùi về phía sau, tivi, điện thoại thông minh cũng bỏ lại, nhường chỗ cho những câu chuyện tình cảm gia đình vui vẻ. Cũng từ những lần quây quần bên nhau, con cháu nhìn vào gương ông bà, cha mẹ để điều chỉnh hành vi, cách ứng xử của mình.
Và không chỉ những bữa cơm quây quần cả đại gia đình, mà ở Hà Tĩnh hiện nay, nhiều gia đình nhỏ cũng đã nhận thức được ý nghĩa quan trọng của những bữa ăn. Thế nên, dẫu bận rộn vì muôn ngàn lý do công việc, bạn bè thì mỗi người vẫn luôn tự ý thức trở về nhà để tìm những phút bình yên sau ngày dài mỏi mệt.
Dành thời gian chuyện trò cùng con là cách để thể hiện tình yêu thương trong gia đình
Chịu tác động lớn của nhịp sống hiện đại, nhiều cặp vợ chồng trẻ càng ít có thời gian chuyện trò với nhau và chơi cùng con cái. Thế nhưng, với gia đình chị Nguyễn Thị Hoa, phường Thạch Quý (TP Hà Tĩnh), dù bận rộn đến mấy, anh chị cũng đều dành thời gian chơi đùa cùng con.
Chị Hoa chia sẻ: “Con gửi nhờ ông bà trông cả ngày, đến tối mịt chúng tôi đi làm về mới có thể đón con. Vì vậy, để làm ấm nóng tình cảm gia đình, chúng tôi luôn dành thời gian để chơi cùng con, nghe con kể chuyện một ngày đã qua và chỉ dạy con những điều mới lạ. Đây cũng là cách để chúng tôi có cơ hội thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc dành cho nhau và dành cho các con”.
Đã hơn 6 năm rời quê hương Việt Nam để đến mảnh đất Nhật Bản xa xôi nhưng anh Trương Quang Báu (xã Hương Thủy, Hương Khê) vẫn luôn giữ nét văn hóa truyền thống gia đình. Anh đang nỗ lực dạy con nói tiếng Việt, dạy con những tập tục, nét ứng xử đẹp của gia đình. Bắt đầu từ những điều nhỏ bé, giản dị như rót nước mời bố mẹ sau khi ăn cơm, biết nhường nhịn, yêu thương em nhỏ...
Dù mới chỉ 7 tuổi nhưng Bảo An đã thể hiện là một người anh cả biết yêu thương, chăm sóc em nhỏ
Không chỉ thế, anh cùng vợ luôn kể cho con nghe về cội nguồn tổ tiên, chỉ dạy cho con những điều nên làm và không nên làm. Vợ chồng anh cũng làm gương cho con trong từng cử chỉ, hành động, lời nói hàng ngày.
Học từ bố mình, bé Bảo An - con trai anh dù mới lên 7 tuổi nhưng rất ngoan ngoãn, lễ phép. Mỗi dịp về quê chơi, Bảo An thể hiện mình thực sự là cậu bé biết kính trên nhường dưới và rất thân thiện với các em.
Anh Báu chia sẻ: “Chúng tôi hết sức quan tâm đến việc giáo dục con để các cháu dù tiếp cận nền văn hóa Nhật Bản nhưng phải biết giữ gìn những nét đẹp về truyền thống gia đình Việt, biết yêu gia đình, quý trọng cội nguồn và quê hương mình”.