Ngày 29/6, đoàn giám sát chuyên đề Hội Nông dân Hà Tĩnh triển khai giám sát chuyên đề “Công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến nông sản trên địa bàn Hà Tĩnh” tại thị xã Kỳ Anh. Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Thị Mai Thủy làm Trưởng đoàn giám sát. |
Đoàn giám sát tham quan tại cơ sở sản xuất nước mắm Nhất Ninh.
Đoàn giám sát chuyên đề đã đi kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản tại phường Hưng Trí và xã Kỳ Ninh (thị xã Kỳ Anh) như: Cơ sở sản xuất nuôi trồng và chế biến đông trùng hạ thảo Hưng Hà Vân; cơ sở sản xuất nước mắm và ruốc nêm Khoàn Minh; cơ sở sản xuất nước mắm Nhất Ninh, cơ sở sản xuất giò chả Chín Hồng...
Đoàn giám sát nắm tình hình tại cơ sở sản xuất nước mắm và ruốc nêm Khoàn Minh.
Qua hoạt động giám sát cho thấy, UBND thị xã Kỳ Anh đã xây dựng các chương trình, kế hoạch tổng thể bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn và các đề án, kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện công tác an toàn thực phẩm thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực được phân công quản lý.
Để nâng cao ý thức của người dân về đảm bảo ATVSTP, hàng năm, UBND thị xã Kỳ Anh đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm trên địa bàn. Năm 2022, đoàn đã tiến hành kiểm tra 13 cơ sở trên, không phát hiện vi phạm.
Bên cạnh đó, hàng năm, định kỳ 6 tháng, UBND thị xã chỉ đạo các xã, phường tổ chức ký cam kết sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP (cơ sở ban đầu, nhỏ lẻ) thuộc lĩnh vực nông nghiệp và kiểm tra việc thực hiện cam kết.
Đến nay, số cơ sở ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn là 465 cơ sở. Số cơ sở được kiểm tra thực hiện ký cam kết 6 tháng đầu năm 2022 là 45 cơ sở.
Sau khi đi kiểm tra, đoàn giám sát có buổi làm việc với UBND thị xã Kỳ Anh.
UBND thị xã thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra công tác an toàn thực phẩm tại các cơ sở và công tác quản lý nhà nước tại các xã, phường. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tiếp tục đẩy mạnh, kết nối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho người dân, đặc biệt là các sản phẩm OCOP trên địa bàn.
Tổ chức tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở 190 lượt, in sao 26 đĩa để phục vụ tuyên truyền, xây dựng các phòng sự; phối hợp với Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh tổ chức phát hơn 1.200 tờ rơi tại chợ,...
Ông Phan Văn Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm và Thủy sản:Cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm ATTP ở cấp xã, phường để cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm kém chất lượng.
Công tác thanh tra, kiểm tra giám sát chất lượng, chế biến nông sản cũng được huyện chú trọng. Hàng năm, UBND thị xã Kỳ Anh phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản tiến hành kiểm tra, lấy mẫu giám sát chất lượng, chế biến nông sản, thông báo kết quả rộng rãi để chủ cơ sở và người dân được biết.
Qua hoạt động giám sát của đoàn giám sát tỉnh cũng cho thấy, ý thức chấp hành quy định pháp luật của nhà nước về ATVSTP tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh được kiểm tra đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn một bộ phận nhân dân chưa nhận thức hết mối nguy hại của thực phẩm bẩn.
Lực lượng cán bộ phụ trách ATVSTP cấp thị xã, cấp xã, phường còn ít, hoạt động kiêm nhiệm gây khó khăn cho việc triển khai các nội dung liên quan.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh Nguyễn Văn Chung phát biểu tại buổi làm việc.
Trao đổi tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh Nguyễn Văn Chung tiếp thu ý kiến tâm huyết, chất lượng của đoàn giám sát. Thời gian tới, thị xã Kỳ Anh sẽ tập trung công tác tuyên tuyền bằng nhiều hình thức khác nhau. Siết chặt các quy định cấp giấy chứng nhận ATVSTP. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến nông sản,...
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Thị Mai Thủy - Trưởng đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao những kết quả trong công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn thị xã Kỳ Anh.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Thị Mai Thủy - Trưởng đoàn giám sát phát biểu kết luận buổi làm việc.
Thời gian tới, Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Thị Mai Thủy đề nghị tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP, tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, trong đó tập trung kiểm tra nguồn gốc của sản phẩm. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra liên ngành về ATVSTP.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đổi mới hình thức truyền thông lan tỏa thông điệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng; công khai các cơ sở, cá nhân vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm kém chất lượng.
Tổ chức các lớp tập huấn về các quy định an toàn thực phẩm nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ từ cấp thị xã đến xã, phường và người sản xuất kinh doanh ATVSTP. Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất được học tập các mô hình sản xuất tốt, an toàn, thân thiện môi trường.
Theo kế hoạch giám sát chuyên đề “Công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến nông sản trên địa bàn Hà Tĩnh", ngày mai (30/6), đoàn giám sát tiếp tục làm việc nội dung này tại huyện Lộc Hà và huyện Đức Thọ. |