Đoàn công tác số 3 làm việc với Sở TN&MT
Theo báo cáo của Sở TN&MT Hà Tĩnh, đơn vị đang được giao kế hoạch vốn đầu tư để triển khai thực hiện dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai thực hiện tại tỉnh Hà Tĩnh” sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới.
Dự án có tổng mức đầu tư là 181,253 tỷ đồng, trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới 153,109 tỷ đồng, vốn đối ứng 28,144 tỷ đồng. Dự án được triển khai trên địa bàn 13 huyện, thành phố, thị xã, thời gian thực hiện dự án là 5 năm (từ năm 2017 đến năm 2022). Dự án được triển khai chậm gần 3 năm so với kế hoạch. Nguyên nhân là do dự án tổng thể của Bộ TN&MT triển khai chậm.
Thời gian qua, Sở TN&MT đã trình thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai các huyện Can Lộc, Đức Thọ và thị xã Hồng Lĩnh, đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, do chưa được bố trí nguồn vốn nên chưa đủ điều kiện để trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu triển khai.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng đang trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật - dự toán xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai các huyện Hương Sơn, Lộc Hà, Vũ Quang, Thạch Hà để trình UBND tỉnh phê duyệt trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, Sở TN&MT đề nghị UBND tỉnh có phương án bổ sung vốn trung hạn; bổ sung kế hoạch vốn đối ứng cho dự án trong năm 2020; phê duyệt điều chỉnh kế hoạch tổng thể và kế hoạch thực hiện năm 2020 của dự án...
Giám đốc Sở TN&MT báo cáo tiến độ triển khai dự án
Qua nghe báo cáo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cho rằng, do chưa được phân bổ vốn nên dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai thực hiện tại tỉnh Hà Tĩnh đến nay vẫn chưa có giải ngân. UBND tỉnh sẽ đề nghị Trung ương sớm có phương án phân bổ nguồn vốn vay trung hạn cho dự án để chủ đầu tư kịp thời triển khai việc trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và các bước tiếp theo của dự án.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đề nghị Sở TN&MT chuẩn bị hồ sơ, văn bản liên quan đến việc đề nghị điều chuyển vốn (từ các dự án chậm tiến độ) và có lộ trình giải ngân nguồn vốn cụ thể để UBND tỉnh xem xét, bố trí vốn triển khai dự án (thuộc phần nguồn vốn đối ứng).
Đoàn công tác số 3 làm việc với Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh
Tiếp đó, đoàn công tác số 3 làm việc với Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh về giải ngân vốn đầu tư công. Theo báo cáo, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển thực hiện chương trình NTM là gần 680 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương là gần 609 tỷ đồng, ngân sách tỉnh là gần 70 tỷ đồng. Tính đến ngày 26/8, Hà Tĩnh giải ngân hơn 230 tỷ đồng (45% kế hoạch). Dự kiến đến 31/12 hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch.
Lý giải tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư thời gian qua vẫn còn thấp, đại diện Văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho rằng, nguyên nhân là do việc thực hiện đầu tư, ký kết hợp đồng thi công đối với các dự án khởi công mới năm 2020 của các địa phương triển khai chậm, đặc biệt là các nội dung được phân bổ vốn lớn. Một số dự án được phân khai vốn đến nay chưa có hồ sơ hoặc khối lượng để giải ngân theo quy định, làm chậm tiến độ chung toàn tỉnh. Một số đơn vị còn lúng túng trong bố trí vốn trả nợ các công trình; một số dự án chưa được phân bổ chi tiết vốn thực hiện…
Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Trần Huy Oánh báo cáo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Văn phòng Điều phối NTM kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương hoàn thiện thủ tục đầu tư các công trình cấp nước và công trình xử lý môi trường để có nguồn vốn triển khai dự án; xem xét đề xuất phương án điều chuyển vốn đầu tư trong trường hợp các địa phương triển khai thực hiện chậm, tỷ lệ giải ngân đến 30/9 đạt dưới 60%.
Chỉ đạo trong buổi làm việc với Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đề nghị Văn phòng báo cáo tiến độ đến Ban Chỉ đạo NTM tỉnh và lãnh đạo tỉnh để có chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư.
Về nguồn vốn của dự án “Thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng NTM tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo”, Văn phòng cần chủ động khâu nối, báo cáo chi tiết kế hoạch giải ngân để có cơ sở giữ, điều chuyển vốn.
Liên quan đến dự án các công trình cấp nước và công trình xử lý môi trường, đây là những dự án có nguồn vốn nhỏ, mặc dù có khả năng giải ngân cao nhưng không được chủ quan. Văn phòng cần tích cực kiểm tra, đôn đốc, xử lý sớm các vướng mắc.