Chị Nguyễn Thị Minh Tâm (trú tại thị trấn Phố Châu, Hương Sơn) có 2 cậu con trai: một cháu năm nay vào lớp 10, một cháu học lớp 4. Chồng chị làm công chức tại một cơ quan Nhà nước, còn chị làm việc tại một doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực dịch vụ du lịch trên địa bàn.
Công việc của 2 vợ chồng chị khá bận rộn, đặc biệt là mùa hè - cao điểm của mùa du lịch, chị thường xuyên phải đi sớm về muộn. Để các con có ý thức trách nhiệm hơn với các thành viên trong gia đình và biết chia sẻ với bố mẹ, từ nhỏ, chị Tâm đã hướng dẫn con làm việc nhà tùy theo khả năng của mình.
Chị Tâm cho biết: “Khi con còn nhỏ thì tôi bắt đầu bằng việc rèn con tự mặc quần áo, dọn dẹp đồ chơi; lớn hơn chút thì gấp dọn chăn màn, phơi quần áo, nhặt rau, quét nhà… Tùy theo từng độ tuổi, khả năng của các con để phân công công việc phù hợp. Ban đầu các con làm chưa tốt nhưng được bố mẹ hướng dẫn, động viên, con đã quen việc dần”.
Nhờ sự hỗ trợ của chồng và 2 con, sau mỗi ca trực, chị Tâm không còn quá tất bật với việc nhà. Các thành viên trong gia đình có thêm thời gian để trò chuyện, tâm sự với nhau sau mỗi ngày làm việc, học tập.
Thay vì để con chỉ biết nằm dài xem ti vi, chơi điện tử thì nhiều phụ huynh đã phân công công việc phù hợp để trẻ vận động, đặc biệt là trong dịp hè, như cách mà chị Tâm đã làm. Tuy nhiên, cũng có những phụ huynh chưa thật sự coi trọng điều này.
Không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều trẻ rất thích làm việc nhà và thường “lăng xăng” bên cạnh khi mẹ nấu cơm, nhặt rau, rửa bát. Thế nhưng, không phải người mẹ nào cũng nhận ra điều đó và thường có thái độ cáu gắt, cảm thấy con làm vướng bận nên buông những câu nói như “không phải việc của con!”, “đi ra chỗ khác cho mẹ làm!”, “con đừng nghịch phá nữa”… Việc đó lặp lại nhiều lần và lâu dần, các con sẽ coi việc nhà không phải là việc của mình và “để mẹ làm” như là một lẽ đương nhiên.
Thế nên, khi các con làm việc nhà, bố mẹ nên khuyến khích, kiên trì hướng dẫn, bảo ban; chấp nhận những lúc con làm chưa tốt để động viên con cố gắng những lần sau. Thái độ ghi nhận, động viên của bố mẹ luôn là động lực để con nỗ lực trong mọi việc. Nhiều trẻ khi được giao việc, sẽ rất háo hức bởi các con cảm thấy mình quan trọng đối với gia đình. Đó cũng chính là một cách để bố mẹ dạy con về vai trò, vị trí của con trong gia đình.
Tinh thần trách nhiệm của các ông bố cũng đóng vai trò rất lớn trong việc tạo lập thói quen làm việc nhà cho các con. Nếu người chồng biết chia sẻ, hỗ trợ công việc nội trợ với vợ thì con cái cũng theo đó noi gương.
Anh Thái Văn Đạt (phường Thạch Linh - TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng, không nên coi công việc nhà chỉ là trách nhiệm của phụ nữ, bởi họ cũng phải đảm đương công việc ngoài xã hội như đàn ông. Đó cũng là cách tôi dạy con về sự chia sẻ. Trong gia đình, tôi luôn có sự phân công công việc rõ ràng cho các thành viên, bố con mỗi người chung tay một tí để đỡ gánh nặng cho vợ, cho mẹ. Thời gian cùng nhau làm việc nhà cũng thêm gắn kết tình cảm”.
Từ câu nói “sự nuông chiều tạo nên những đứa trẻ vô ơn” cho thấy rất cần thiết phải rèn tính tự lập, trách nhiệm chia sẻ công việc trong gia đình ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Trẻ không làm việc nhà dễ hình thành tâm lý ỷ lại, thiếu sẻ chia và ngại va chạm trong tương lai. Việc rèn luyện làm việc nhà từ sớm sẽ giúp trẻ biết sống có kỷ luật, trách nhiệm, biết cách thích nghi với mọi hoàn cảnh, trân trọng giá trị của lao động. Những kỹ năng đó chắc chắn sẽ là hành trang quý giá để các con tự tin hơn khi bước vào đời.