5h chiều sau khi tan làm, chị Huyền, 40 tuổi, đi hơn 10 km từ cơ quan tại Tây Hồ về Mỹ Đình, đến trường đón con trai Hải Nam, lớp 8 cùng con gái lớp 4 đi học thêm. Nam học thêm 6 buổi một tuần các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và bơi lội, nghệ thuật, tranh biện tiếng Anh vào cuối tuần.
Bé lớp 4 được mẹ đặt mục tiêu thi vào trường THCS chất lượng cao, nên cũng học thêm tại trung tâm từ thứ hai đến chủ nhật, bên cạnh các môn kỹ năng. Áp lực công việc và việc di chuyển cả ngày trên đường khiến chị Huyền thường xuyên mệt mỏi, kiệt quệ, ăn ít, ngủ kém.
Trong khi vợ chịu trách nhiệm chăm lo con cái, anh Toàn, chồng chị Huyền, gánh áp lực là trụ cột gia đình. Ngoài công việc chính tại một công ty truyền thông, người đàn ông nhận thêm hai "job" khác, thường xuyên thức đến 3h sáng. Cường độ làm việc cao khiến anh luôn căng thẳng, cáu giận.
Gần đây anh nảy sinh tâm lý lo âu, sợ hãi nghĩ bản thân mất việc sẽ làm con cái "đứt gánh" tương lai, vì hai vợ chồng đều coi việc đầu tư giáo dục là mục tiêu tối thượng. "Việc này đảm bảo cho trẻ nhà tôi có ưu thế với các bạn, giúp chúng có việc làm tốt, thu nhập cao, cuộc sống ổn định sau này", anh Toàn nói.
Muốn cân bằng lại năng lượng và cảm xúc, anh đến một phòng khám chuyên khoa khám, được bác sĩ chẩn đoán rối loạn lo âu kèm trầm cảm nhẹ, cần uống thuốc và trị liệu tâm lý.
Chị Minh, 36 tuổi, ở TP HCM cũng bị rối loạn lo âu vì phải "gồng mình" nuôi ba con nhỏ. Thu nhập chỉ ở mức trung bình song vợ chồng chị luôn phải cố gắng cho con học thêm, các lớp kỹ năng để có ưu thế vượt trội. Đọc các thông tin trên truyền thông về tương lai máy móc sẽ thay thế con người, cùng việc thấy nhiều người xung quanh đầu tư cho con cái, người phụ nữ càng sốt ruột.
Dù thường xuyên stress, ngủ kém, chị Minh vẫn cố gắng nhận thêm nhiều việc để tăng thu nhập, chi trả tiền học cho con. Cuối cùng, áp lực tinh thần kéo dài khiến chị ngày càng mất ngủ, đau đầu, vã mồ hôi, tim đập nhanh. Chị đến gặp chuyên gia, được chẩn đoán rối loạn lo âu, phải điều trị bằng thuốc kết hợp liệu pháp tâm lý.
Một nghiên cứu gần đây của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ cho thấy 48% phụ huynh nước này cho biết họ bị căng thẳng mãn tính, thường xuyên đối mặt với các lo lắng về tiền bạc, sự an toàn, vật lộn để có giấc ngủ. Ngoài ra là lo lắng về mạng xã hội, thiết bị điện tử, cũng như các vấn đề sức khỏe tinh thần của con. Hiện Việt Nam chưa có thống kê về tình trạng căng thẳng của cha mẹ trong nuôi dạy con, nhưng các con số về vấn đề rối loạn tâm thần ở người lớn đang gia tăng. Trong đó, giá nhà tăng, chi phí học tập, y tế và sinh hoạt ở các thành phố lớn ngày càng đắt đỏ tạo không ít căng thẳng.
Trong một chia sẻ gần đây về sức khỏe tâm thần của cha mẹ trên Nytimes, tiến sĩ Vivek H. Murthy, Tổng Y sĩ Mỹ, nhìn nhận thực tế: "Nuôi dạy con cái ngày nay quá khó khăn và căng thẳng". Phụ huynh phải đối mặt với rất nhiều kỳ vọng từ xã hội khiến họ phải dành nhiều thời gian và tiền bạc hơn để giáo dục cũng như bồi dưỡng con cái mình.
Áp lực này một phần xuất phát từ nỗi sợ, rằng nếu không trang bị cho con cái mọi lợi thế có thể, chúng sẽ bị bỏ lại, không thể có được một cuộc sống đủ đầy, nhất là trong bối cảnh máy móc đang dần thay thế con người. Mặt khác, phụ huynh gặp áp lực cả vô hình lẫn hữu hình từ việc so sánh con cái qua mạng xã hội hoặc các định kiến về nuôi con theo chuẩn xã hội.
"Điều này đã khiến nhiều gia đình cảm thấy kiệt sức", tiến sĩ Murthy cho hay.
Đồng quan điểm, Thạc sĩ Tâm lý Lâm sàng Vương Nguyễn Toàn Thiện, Giám đốc chuyên môn Trung tâm Tham vấn và trị liệu tâm lý Lumos, cho biết nhiều phụ huynh phải "gồng mình" nuôi con gây stress mãn tính. Đây là tình trạng căng thẳng kéo dài, thường do các sự kiện dai dẳng như thất nghiệp, lạm dụng thể chất hoặc tinh thần, xung đột hôn nhân, hoặc các áp lực khác. Các triệu chứng của stress mãn tính có thể tồn tại nhiều tháng hoặc nhiều năm và khó điều trị dứt điểm. Nếu không được quản lý, căng thẳng mãn tính có thể dẫn đến những bệnh nghiêm trọng như rối loạn tâm thần, bệnh thể chất khác...
Thực tế, nhiều cha mẹ phải làm ngoài giờ, tìm thêm việc làm để đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, dẫn tới không thể cân bằng giữa công việc và gia đình, gây kiệt sức. Khi bất ngờ gặp biến cố như phá sản, thất nghiệp, bệnh tật, người thân qua đời... dễ tạo nên cú sốc, tiền đề khởi phát các bệnh tâm thần. Ngoài ra, với người đã bị một số vấn đề tâm lý từ thời trẻ, việc nuôi con có thể làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn.
Cha mẹ bất ổn tâm lý không chỉ phát sinh bệnh tật, ảnh hưởng đến khả năng làm việc, duy trì mối quan hệ tình cảm, xã hội của chính họ, mà còn trực tiếp tác động đến sự phát triển của trẻ. Trẻ có cha mẹ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần có thể đối mặt với những rủi ro gia tăng, bao gồm triệu chứng trầm cảm và lo âu ở hiện tại và tương lai.
Để hạn chế tình trạng này, các chuyên gia khuyên việc cha mẹ tự biết cách chăm sóc bản thân là vô cùng quan trọng. Họ nên dành thời gian cho sức khỏe thể chất và tinh thần thông qua việc tập thể dục, ăn uống lành mạnh, nghỉ ngơi đủ giấc. Có thể áp dụng các kỹ thuật quản lý căng thẳng như thiền, yoga, hoặc tham gia vào các hoạt động giải trí để giữ tâm lý tích cực.
"Thiết lập kỳ vọng thực tế về việc nuôi dạy con sẽ giúp giảm bớt áp lực và cảm giác thất bại, vì không có ai là cha mẹ hoàn hảo", chuyên gia nói, đồng thời giao tiếp cởi mở với con cái, tạo môi trường thoải mái để trẻ khám phá những gì yêu thích.
Khi có các vấn đề về sức khỏe tinh thần, nên sớm đến các cơ sở chuyên khoa để được hỗ trợ kịp thời, tránh những hậu quả nghiêm trọng nếu giấu bệnh hoặc không điều trị.