''Đây là một thách thức với các bậc phụ huynh khi thực phẩm nghèo dinh dưỡng ngày càng nhiều, trong khi não lại thấy chúng cực kỳ ngon'', Julie Mennella, nhà tâm lý học chuyên nghiên cứu sở thích khẩu vị của trẻ em (Mỹ) cho biết.
Nhưng mối quan tâm của cha mẹ về tầm quan trọng của ăn uống lành mạnh đôi khi phản tác dụng, khiến trẻ từ chối thức ăn hoặc thích những thứ kém lành mạnh.
Dù bạn không thể kiểm soát được những gì con ăn, nhưng có thể học hỏi từ nghiên cứu và tránh những gì chuyên gia cho là sai lầm phổ biến về thực phẩm dưới đây:
Cấm con ăn một số loại thực phẩm
Các nghiên cứu cho thấy hạn chế con ăn một số thực phẩm sẽ phản tác dụng. Khi không cho con uống nước ngọt hay ăn đồ ngọt, sẽ dẫn đến hiệu ứng ''thực phẩm bị cấm'', nghĩa là làm cho trẻ muốn ăn chúng nhiều hơn.
Trong một nghiên cứu quan trọng tại Đại học bang Pennsylvania, Mỹ, trẻ em trong nhà trẻ được phép ăn nhiều thanh bánh quy táo hoặc đào tùy thích. Một mẻ bánh quy trái cây khác được cho vào lọ trong suốt trên bàn và trẻ được dặn chưa được ăn những chiếc bánh quy đó.
Dù được ăn thoải mái bánh quy táo và đào, lũ trẻ vẫn không ngừng nghĩ về những chiếc bánh trong lọ cấm. Khi chiếc lọ mở ra, trẻ ăn ngấu nghiến, nhiều gấp ba lần số bánh chúng được tự do ăn.
Nghiên cứu này là một trong nhiều nghiên cứu chỉ ra mặt trái của việc hạn chế thực phẩm và cố gắng kiểm soát những gì trẻ ăn. Trẻ em lớn lên trong những gia đình có chế độ ăn bị kiểm soát cao có khả năng bị thừa cân, thèm đồ ngọt và đồ béo nhiều hơn.
Những phát hiện này không có nghĩa nên cho trẻ ăn bánh kẹo, uống nước ngọt không giới hạn mà nên duy trì lịch ăn đều đặn. ''Không phải là tự do thoải mái mà phải theo lịch trình. Bạn có thể cho con thực phẩm lành mạnh, đôi khi không lành mạnh để trẻ được tự chọn những gì mình ăn'', Isobel Contento, giáo sư danh dự về dinh dưỡng và giáo dục, đại học Columbia, khuyên.
Giấu rau trong thực phẩm
Một số sách dạy nấu ăn và trang web dành cho cha mẹ quảng cáo cách làm các món bánh giấu rau trong đó. Thêm thành phần lành mạnh là tốt, nhưng sẽ không giúp trẻ học cách ăn nhiều chế độ ăn đa dạng. Ví dụ, cho trẻ ăn món bánh pizza có súp lơ không dạy trẻ thích súp lơ mà chỉ dạy trẻ thích pizza.
Cách hay để dạy trẻ ăn nhiều rau hơn là tạo ''cầu nối thực phẩm''. Ví dụ, nếu bạn biết con thích ăn cà rốt, hãy thử giới thiệu các loại thực phẩm có màu cam khác như khoai lang và bí ngô. Khoai tây nghiền là cầu nối thực phẩm ngắn đến súp lơ nghiền. Nếu con thích ăn ngô, hãy thêm một ít đậu Hà Lan hoặc cà rốt vào hỗn hợp. Ngay cả khi con bạn không ăn, cũng vẫn là cách giới thiệu cho trẻ một loại thực phẩm mới.
Đối xử khác nhau với trẻ béo và trẻ gầy
Đôi khi anh chị em trong cùng một nhà có thể có thói quen ăn uống và sự phát triển cơ thể khác nhau. Nhưng theo các chuyên gia béo phì nhi khoa, giải pháp không phải là hạn chế việc ăn uống của trẻ thừa cân.
Các quy tắc về thực phẩm trong gia đình đối với cả hai trẻ phải giống nhau. (Ngoại lệ có thể xảy ra nếu trẻ bị tiểu đường hoặc dị ứng thực phẩm). Không thể cho một đứa trẻ ăn đồ chế biến sẵn và soda chỉ vì chúng gầy. Cha mẹ nên làm gương và cả hai trẻ nên được tiếp cận bình đẳng với các lựa chọn thực phẩm lành mạnh.
Mọi người trong nhà có thể thỉnh thoảng ăn tráng miệng hoặc nướng bánh ngọt cùng nhau.
"Cùng một loại thực phẩm lành mạnh cho một đứa trẻ cũng lành mạnh cho một đứa trẻ khác. Những điều trị vấn đề cân nặng ở trẻ béo phì cũng giúp ngăn ngừa chứng này xuất hiện ở anh, chị, em gầy", David Ludwig, giáo sư tại trường Y khoa Harvard và đồng giám đốc phòng chống béo phì tại bệnh viện Nhi Boston, Mỹ, cho biết.
Không cho trẻ lựa chọn thực phẩm
Cha mẹ có thể kiểm soát chất lượng thực phẩm trong nhà, nhưng trẻ vẫn nên được quyết định. Đưa con đi mua thực phẩm hoặc đến một quầy nông trại để trẻ chọn loại rau mình muốn. Đưa con vào bếp chuẩn bị thực phẩm. Đôi khi bạn có thể cùng nấu rau hoặc món tráng miệng với con. Nếu đủ không gian và thời gian làm vườn, cho con tham gia trồng được chứng minh giúp trẻ đón nhận thực phẩm.
Các nhà nghiên cứu tại Teachers College, đại học Columbia đã nghiên cứu gần 600 trẻ em từ mẫu giáo đến lớp sáu. Hầu hết trẻ tham gia các lớp học dinh dưỡng và một số trẻ em được học nấu ăn. Những trẻ học cách tự nấu ăn sau này có khả năng chọn những thực phẩm đó từ căng tin của trường.
Contento, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết, việc cho trẻ em tham gia vào quá trình chế biến thức ăn được coi là một cách tốt để giúp trẻ làm quen với thực phẩm và sẵn sàng thử nó.
Sớm bỏ cuộc
Các nghiên cứu cho thấy trẻ có thể phải thử 15 lần hoặc hơn để thích một món ăn mới, vì vậy, bỏ cuộc là một sai lầm. Dù bạn có thể "nhẹ nhàng" khuyến khích trẻ thử một món ăn mới, nhưng đừng ép buộc, dụ dỗ hoặc đưa ra phần thưởng. Một số nghiên cứu cho thấy trẻ em thậm chí còn không thích đồ ăn nếu chúng bị treo thưởng để ăn.
Ngay cả khi con bạn là nhà vô địch về kén ăn, những đột phá vẫn có thể xảy ra. Nếu con bạn có một người bạn thích ăn uống, hãy mời họ đến ăn tối. Trẻ em có thể học được thói quen ăn uống tốt và xấu từ bạn bè.
Khi con ở tuổi mẫu giáo để lại đậu xanh trên đĩa, hãy làm gương bằng cách tự thưởng thức chúng. Và đừng ngại làm cho thức ăn ngon hơn. Nếu con bạn thích phô mai, hãy cho phô mai vào bông cải xanh.
"Hầu hết trẻ em cuối cùng đều thích những món ăn chúng ta ăn. Hãy thử những cách nấu ăn khác nhau, thay đổi cách trình bày", Contento nói.
Quên mất việc tận hưởng bữa ăn gia đình
Đừng để bữa ăn trở thành nguồn gây căng thẳng và tránh các cuộc chiến về thức ăn. Khi con bạn lớn lên, chúng sẽ nhớ nhiều hơn là chỉ thức ăn.
"Thói quen ăn uống có thể định hình nên gia đình", Mennella, thành viên của Trung tâm giác quan hóa học Monell ở Philadelphia, Mỹ, một viện khoa học tập trung vào vị giác và khứu giác, cho biết.
Không chỉ những món bạn ăn mỗi tối. Đó là thời điểm định hình bạn muốn trở thành người thế nào. "Nhìn nhận thực phẩm theo một cách khác, không chỉ thức ăn mà còn như một bản sắc gắn kết mọi người và khơi gợi ký ức tuổi thơ", Mennella nói.