Có những sự thật đưa con người ta đến với vũ đài ánh sáng nhưng cũng có những sự thật khiến nhiều người phải đối diện với nỗi đau, khó khăn, bất trắc. Sự thật tích cực thì không bàn đến nữa nhưng đối với sự thật tiêu cực, đòi hỏi con người phải có khả năng/kỹ năng chấp nhận. Đây chính là một loại khả năng/kỹ năng mang tính tự vệ cao.
Trong phạm vi bài viết này, tôi muốn đề cập đến khả năng chấp nhận sự thật khi con cái mắc rối loạn phổ tự kỷ. Nếu người cha, người mẹ hiểu biết và dũng cảm đối mặt với sự thật thì sẽ cứu được đứa trẻ khỏi những hệ lụy không đáng có, còn nếu cha mẹ bảo thủ và cực đoan thì sẽ đánh mất tương lai của con mình.
Cuối tuần vừa rồi, chị bạn tôi có kể với tôi về tình hình của cháu chị, đến nay đã học lớp 2 nhưng rất ngại giao tiếp và khó tiếp thu bài vở. Chị nói, năm cháu 3 tuổi, chị đã phát hiện những điều không bình thường và có trao đổi với bố mẹ cháu nhưng bố cháu nhất quyết không nhìn vào sự thật và một mực không cho bất kỳ ai đưa con mình đi kiểm tra. Đến năm cháu bước vào lớp 1, bố cháu đi làm xa, cả nhà mới đưa cháu đi kiểm tra thì tình trạng đã ở mức nặng, tệ nhất là “giai đoạn vàng” để can thiệp trị liệu đã qua đi. Giờ đây, tuy gia đình đang tích cực áp dụng các biện pháp trị liệu cho cháu nhưng khả năng phục hồi rất chậm và không ai dám cam đoan việc can thiệp đó sẽ đem lại bao nhiêu phần trăm thành công.
Đáng tiếc, đó không phải là câu chuyện duy nhất, càng ngày tôi càng nghe được nhiều hơn những câu chuyện về trẻ mắc rối loại phổ tự kỷ và không được trị liệu do thái độ của cha mẹ. Thậm chí, nhiều cha mẹ, dù đã nhận ra những biểu hiện của con mình nhưng vẫn không dám đối diện sự thật, không đưa con đến các cơ sở y tế, trung tâm hay giáo viên, bác sỹ chuyên can thiệp trị liệu để cải thiện tình hình cho con mà lại tự mua các loại thuốc bổ não cho con uống hoặc tự “điều trị” cho con khi chưa được hướng dẫn, dẫn đến chứng rối loại phổ tự kỷ ở con ngày càng nặng và khó can thiệp.
Cũng là câu chuyện có con bị rối loạn phổ tự kỷ nhưng nhiều năm trước tôi đã được chứng kiến một câu chuyện cảm động của một nữ văn sỹ. Khi phát hiện ra con mình mắc chứng tự kỷ, chị đã gạt hết tất cả, đăng lên facebook với mong muốn tìm được người có thể can thiệp trị liệu tốt nhất cho con của mình. Và không chỉ tìm được “thầy thuốc” cho con, chị còn trở thành một hạt nhân trong việc hỗ trợ các phụ huynh có con mắc phổ tự kỷ ở địa phương sớm can thiệp trị liệu cho con.
Thậm chí, chị còn tích cực trong việc huy động nguồn lực, xây dựng trường học dành cho trẻ tự kỷ ở địa phương, nghiên cứu viết sách về cách giáo dục trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ. Giờ đây, con của chị đã là một cậu bé bình thường với những thành tích học tập đáng tự hào. Và chị, từ chỗ dũng cảm đối mặt với thực tế để chữa trị cho con, đã trở thành một chiến binh tích cực trong việc điều trị cho trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ. Tinh thần của chị đã vượt quá địa giới hành chính nơi chị ở, lan tỏa khắp cả nước.
Bạn có sẵn sàng chấp nhận sự thật về con mình để tìm hướng cải thiện hay không? Tôi cho rằng, đó cũng là một loại kỹ năng mà những người làm cha, làm mẹ cần rèn luyện. Hai câu chuyện tôi kể trên đây là minh chứng rõ nhất cho hiệu quả và hệ quả của việc có hoặc không chấp nhận sự thật của các bậc phụ huynh. Và, đâu chỉ riêng rối loạn phổ tự kỷ, trên hành trình cùng con khôn lớn, sẽ còn có rất nhiều sự thật nữa mà bạn phải đối mặt, nếu bạn ngoảnh đi, bạn đã đẩy con mình đến một lối rẽ khác mà chắc chắn, hậu quả sẽ rất khó lường…