Chị Hồ Thị Thu T. (phường Bắc Hà - TP Hà Tĩnh) vẫn được những người hàng xóm biết đến là một phụ nữ hiền lành, đảm đang. Gia đình chị tuy không giàu có nhưng vợ chồng có công việc ổn định, hai con học giỏi và ngoan.
Chồng chị T. tuy chăm lo cho gia đình nhưng lại có tính hay ghen tuông vô cớ. Vì đặc thù công việc ở bệnh viện, chị T. thường phải đi trực đêm ở cơ quan và cơn ghen của chồng ngày càng tăng theo mỗi ca trực của chị.
Đỉnh điểm là đêm hôm nọ, hai vợ chồng cãi vã và chị T. đã bị chồng đánh đập gây thương tích. Nhờ có sự can thiệp kịp thời của hàng xóm, chị T. được băng bó vết thương và lánh nạn.
Để "bão giông" dừng trước cánh cửa gia đình thì các thành viên phải biết tôn trọng, yêu thương nhau và đủ bản lĩnh vượt qua cám dỗ trong cuộc sống.
Tình trạng bạo lực gia đình như thế đang diễn ra khá phổ biến ở rất nhiều gia đình. Khác với sự mặn nồng thời kỳ yêu đương, nhiều cặp vợ chồng sau kết hôn phát sinh lắm mâu thuẫn, ghen tuông, tác động từ điều kiện vật chất, lối sống hàng ngày dẫn đến các hành vi bạo lực.
Theo báo cáo của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, 6 tháng đầu năm 2019, tòa án 2 cấp thụ lý, giải quyết 675/805 vụ việc (giảm 23 vụ so với cùng kỳ 2018). Mặc dù lượng án ly hôn có giảm, tuy nhiên, số vụ ly hôn vì nguyên nhân từ mâu thuẫn gia đình đang ngày càng tăng, chiếm 84% các vụ ly hôn.
Bên cạnh bạo lực thì lối sống hưởng thụ, chạy theo những thú vui của cuộc sống hiện đại mà bỏ bê việc chăm sóc nhau của các thành viên trong gia đình cũng đang là một vấn nạn.
Chúng tôi gặp Nguyễn Văn B. (TX Kỳ Anh) khi B. đang thụ án tại Trại giam Xuân Hà (xã Thạch Lưu, Thạch Hà). Khi được hỏi vì sao lại sa chân vào chốn này, B. nghẹn ngào cho biết, từ khi bố em thành công trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, kinh tế gia đình khá giả hơn trước rất nhiều.
Giải chạy việt dã gia đình là hoạt động ý nghĩa nhằm gắn kết các thành viên trong gia đình
Nhưng đó cũng là lúc bố bị cuốn theo guồng quay công việc với những chuyến công tác, những cuộc nhậu thâu đêm. Mẹ em có sẵn tiền trong tay nên cũng ham mê du lịch, chơi bời cùng bạn bè mà bỏ quên hai anh em B. đang tuổi lớn.
B. cũng bắt đầu làm quen với cách chơi của những đứa trẻ con nhà giàu, giao du kết bạn với một số đối tượng chơi bời, lêu lổng ở TX Kỳ Anh và TP Hà Tĩnh. Từ sự dụ dỗ của các đối tượng đó, B. dính đến một vụ buôn bán ma túy và bị bắt.
Câu chuyện của B. cũng không phải là cá biệt trong cuộc sống hiện đại. Theo tiến sỹ Nguyễn Văn Tịnh - Trưởng Bộ môn Tâm lý giáo dục (Đại học Hà Tĩnh), cùng với sự phát triển của xã hội, gia đình Việt cũng có những chuyển động mạnh mẽ để thích ứng. Và việc giá trị truyền thống trong các gia đình đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn như đạo đức gia đình đang có những biểu hiện suy giảm, xuất hiện cách sống lệch chuẩn là điều tất yếu.
Nhiều CLB Xây dựng gia đình hạnh phúc được thành lập giúp chị em có thêm kinh nghiệm, kiến thức để vun vén cho gia đình
Cũng theo chuyên gia, lối sống thực dụng, đề cao lợi ích cá nhân tác động mạnh đến giá trị truyền thống như lòng nhân ái, sự đồng cảm, chia sẻ, quan tâm lẫn nhau... Một số người còn cho rằng, việc gia đình là việc riêng, không muốn “vạch áo cho người xem lưng” đã tạo điều kiện cho bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em ngày càng tăng.
Trước những thách thức lớn mà các gia đình đang gặp phải trong cuộc sống hiện đại, theo các chuyên gia tâm lý, việc gìn giữ hạnh phúc gia đình bền vững cần có những giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Bên cạnh phát huy những tinh hoa văn hóa của gia đình truyền thống, cần phải loại trừ những quan niệm lỗi thời, cân nhắc khi tiếp thu những yếu tố mới. Từ những định hướng chung của xã hội, mỗi thành viên cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm về xây dựng gia đình hạnh phúc, chăm sóc, nuôi dạy con cái, hiếu thảo với ông bà, bố mẹ.
Đồng thời, mỗi người phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, tự học để vượt qua những thách thức, cám dỗ của xã hội hiện đại, cùng nhau vun đắp hạnh phúc gia đình bền vững.