Tại huyện Can Lộc, nhờ chủ động gieo cấy sớm nên lúa đang vào giai đoạn đẻ nhánh rộ, sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên, theo thông tin từ ngành chuyên môn của huyện, sâu cuốn lá đợt 1 đã gây hại ở nhiều diện tích lúa, sâu chủ yếu đã ở tuổi 5 và vào nhộng. Các địa phương có nhiều diện tích lúa gieo cấy sớm như: Trung Lộc, Xuân Lộc, Thiên Lộc, Vượng Lộc…, xuất hiện với mật độ khá dày.
Anh Trần Tiến Thuật (thôn Bình Minh, xã Trung Lộc, Can Lộc) cho biết: “Sâu tuổi 4, tuổi 5 có khả năng nhả tơ dệt gập lá lúa theo chiều ngang, di chuyển ra ngoài bao cũ để phá hại lá mới nên bà con càng cần phải chú ý theo dõi diễn tiến trên đồng ruộng. Đợt này, qua thăm đồng, các giống lúa nếp thường bị hại nặng hơn vì bản lá to và có màu xanh đậm rất hấp dẫn ngài đến đẻ trứng”.
Những ngày này, chị Trần Thị Mận (thôn Văn Cử, xã Xuân Lộc, Can Lộc) thường xuyên thăm đồng để theo dõi diễn biến của sâu cuốn lá nhỏ. Chị Mận thông tin: “Vụ này tôi gieo cấy 8 sào lúa thì 5 sào đã xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ, cục bộ một số diện tích nhỏ đã bị sâu ăn “trắng” lá. Lứa sâu này đang tăng nhanh về số lượng nên tôi đã tiến hành phun phòng trừ ở một số ruộng có mật độ cao”.
Tại huyện Cẩm Xuyên, sâu cuốn lá nhỏ lứa 1 đã gây hại trên một số diện tích gieo sớm, mật độ trung bình 5 - 7con/m2, nơi cao 15 - 20 con/m2, cục bộ 40 - 45 con/m2 (thôn Nam Thành, xã Cẩm Dương; thôn Đông Hòa, xã Yên Hòa); sâu phổ biến tuổi 4, tuổi 5, có hiện tượng xen gối lứa. Thời gian tới, thời tiết tiếp tục duy trì hình thái nắng nóng, độ ẩm không khí thấp, cây lúa phát triển mạnh về thân lá là điều kiện thuận lợi cho sâu cuốn lá nhỏ tiếp tục phát sinh, gây hại.
Tại huyện Cẩm Xuyên, những ruộng bón thừa đạm, cây non, xanh lá là “miếng mồi ngon” thu hút sâu trưởng thành tập trung đến đẻ trứng, nở sâu non, cắn phá lúa. Bà Nguyễn Thị Mận (thôn Trung Tiến, xã Cẩm Dương, Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Trên đồng ruộng, sâu chủ yếu tuổi 4, tuổi 5 đang vào đợt phát triển. Đây cũng là thời điểm chuẩn bị cho chu kỳ mới của sâu cuốn lá nhỏ đợt 2, trùng vào thời điểm lúa chuyển sang giai đoạn phân hóa đòng nên càng phải theo dõi để tiến hành phun phòng trừ”.
Ông Hoàng Văn Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Dương cho biết: “Thời điểm này, lúa đang đẻ nhánh rộ, bộ lá phát triển mạnh nên xã khuyến cáo bà con chưa cần phun trừ. Tuy nhiên, xã cũng chỉ đạo người dân phải thăm đồng thường xuyên vì dự báo sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 sẽ bắt đầu xuất hiện (từ ngày 31/6, rộ lên từ ngày 4 - 10/7), cắn phá lúa, gây ảnh hưởng đến quá trình làm đòng của cây”.
Theo ông Phan Thanh Nghi - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Cẩm Xuyên, trước diễn tiến mới của sâu cuốn lá nhỏ, huyện đã có văn bản hướng dẫn các xã, thị trấn chỉ đạo bà con thăm đồng thường xuyên, chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ.
Thời điểm bắt đầu tiến hành phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 từ ngày 3 - 10/7, sử dụng các thuốc có hoạt chất Indoxacarb, Emamectin benzoate, Chlorantraniliprole, Isocycloseram, Chlorfenapyr; các loại thuốc thương phẩm như: Clever 150SC, Obaone 95WG, Virtako 40WG, B52DUC 68WG, Angun 5WG, Incipio 200SC, Chlorferan 240SC..., phun trừ sớm, ưu tiên sử dụng các loại thuốc có hiệu lực kéo dài (thuốc có hoạt chất: Chlorantraniliprole, Isocycloseram, Chlorfenapyr...).
Qua điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh và báo cáo của các địa phương, hiện nay, sâu cuốn lá nhỏ phát sinh gây hại mật độ trung bình 10 - 15 con/m2, nơi cao 20 - 25 con/m2, cục bộ 40 - 50 con/m2 phân bố tại xã Trung Lộc, Xuân Lộc, Thiên Lộc, Vượng Lộc (Can Lộc); Thạch Xuân, Thạch Trị, thị trấn Thạch Hà, Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà); Kỳ Tiến, Kỳ Thọ, Kỳ Văn (Kỳ Anh); Đức Bồng, Đức Hương, Ân Phú (Vũ Quang); Cẩm Hưng, Cẩm Quang, Nam Phúc Thăng, Cẩm Dương (Cẩm Xuyên)... Sâu non phổ biến tuổi 5 và có xen gối lứa.
Dự báo sâu cuốn lá nhỏ lứa tiếp theo nở rộ từ thời điểm từ ngày 31/6 trở đi, gây hại giai đoạn lúa phân hoá đòng. Để chủ động phòng trừ, hạn chế thiệt hại do dịch hại gây ra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đề nghị các đơn vị liên quan điều tiết, cung cấp đủ nước cho lúa hè thu.
Bà con nông dân cần tiếp tục chăm sóc, bón phân cân đối tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng phát triển, tăng khả năng kháng sâu bệnh. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát đồng ruộng, thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương để xác định chính xác thời điểm sâu non lứa tiếp theo nở rộ, mật độ sâu gây hại để quyết định thời điểm và những diện tích cần tập trung xử lý, sử dụng một trong các loại thuốc có hoạt chất Indoxacarb, Emamectin benzoate, Chlorantraniliprole, các loại thuốc thương phẩm như: Clever 150SC, Obaone 95WG, Virtako 40WG, Tasieu 1.9EC, Angun 5WG...