Tôi biết, những cảm xúc biết ơn, tự hào, xúc động đang chồng lên trong lòng chúng tôi cũng chính là những đợt sóng trào dâng trong lòng những đoàn người đang ngược núi, ngược đèo đến với miền đất anh hùng…
Điện Biên ngày chúng tôi đến hoa ban còn nở trắng những lưng đồi, nở trắng những góc phố và trên khắp các nẻo đường, cờ hoa tung bay rực rỡ. Hình ảnh đồng cảm nhất với chúng tôi chính là những chiếc xe từ mọi miền đất nước, chở các cựu chiến binh (CCB), các em nhỏ, các thế hệ cán bộ, công nhân viên chức, hưu trí, thanh niên… đến với Điện Biên. Xe nào cũng dán băng rôn màu đỏ với nhiều nội dung khác nhau nhưng dường như tất cả đều như muốn kể với chúng tôi niềm háo hức, tự hào của những người ngồi trên xe khi được đến/ trở lại mảnh đất anh hùng.
Ngay cả trong chúng tôi, chỉ một số người lần đầu đến Điện Biên, còn lại đã từng đến ít nhất một lần nhưng ai cũng háo hức như mới lần đầu vậy. Ai cũng dâng đầy cảm xúc khi qua đèo Pha Đin, qua rừng Mường Phăng, khi đến Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ, Nghĩa trang liệt sĩ A1, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, khi lên đồi A1, khi đến hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát-xtơ-ri… Ai cũng bước đi thật chậm như muốn lưu lại trong ký ức của mình thật nhiều hình ảnh của chiến dịch “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Điện Biên Phủ anh hùng có rất nhiều di tích lịch sử ghi dấu những năm tháng chiến đấu oanh liệt của thế hệ cha ông; di tích nào cũng kể lại với hậu thế thật nhiều câu chuyện chiến đấu đầy quả cảm “gan không núng, chí không mòn” của cha ông ta. Thế nhưng, nơi mà chúng tôi muốn đến nhất vẫn là Nghĩa trang liệt sĩ A1. Đó là niềm đau đáu suốt cả quãng đường dài của tất cả các thành viên đoàn, dù không ai nói với ai điều đó.
Chúng tôi đau đáu là bởi vì, nơi đó, Anh hùng Phan Đình Giót và nhiều liệt sĩ Hà Tĩnh đang yên nghỉ. Hơn mọi bài học lịch sử, hơn mọi trang sách viết về người anh hùng lấy thân mình lấp lỗ châu mai, giây phút chúng tôi được đứng trước mộ, thắp hương tưởng nhớ công ơn người anh hùng của quê hương, kính cẩn nghiêng mình trước tấm bia đá khắc tên những liệt sĩ quê Hà Tĩnh đã hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ mới chính là những điều khắc cốt ghi tâm trong chuyến đi Tây Bắc ấy.
Sáng tháng 4, nắng như đổ lửa, trong khuôn viên nghĩa trang, dường như tất cả đều lặng yên. Hàng cây long não lặng yên xanh, những cây đại, cây tùng đứng im phăng phắc, chúng tôi không ai nói với ai một lời nào, cả những người từ nơi khác đến cũng cứ lặng lẽ mang hương dâng đều lên các ngôi mộ có tên và chưa xác định được tên. Cho đến khi chúng tôi trầm ngâm trước dãy bia đá khắc tên những liệt sĩ đã hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ thì mới có một người, chừng như là nhân viên quản trang đến nói rất nhỏ với chúng tôi: “Giữa những tên riêng liệt sĩ trên bia đá không đặt dấu phẩy là muốn nói với hậu thế về sự hy sinh liên tục, liên tục ở Điện Biên thời kỳ đó”. Hiểu được điều đó, mắt ai nấy lại ứa lệ…
Những cảm xúc mà chúng tôi đã trải qua cũng chính là cảm xúc của rất nhiều người con Hà Tĩnh khi đến với Điện Biên. Bác Đặng Thị Thịnh (phường Nam Hà - TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Lần đầu tiên đến với Điện Biên, trong lòng một cựu TNXP chống Mỹ như bác có nhiều cảm xúc lắm. Dù đã nếm trải những gian lao, vất vả của chiến tranh nhưng có lên đến đây mới cảm nhận được ý chí quật cường của cha anh ta thời chống Pháp cháu ạ. Đặc biệt, trong chuyến đi này, điều ý nghĩa nhất đối với bác là được đến dâng hương ở mộ Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót và các Anh hùng liệt sĩ: Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Trần Can cùng hàng trăm liệt sĩ khác đã hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ”. Nói rồi bác đọc: “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn/ Những đồng chí thân chôn làm giá súng/ Đầu bịt lỗ châu mai/ Băng mình qua núi thép gai/ Ào ào vũ bão/ Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/ Nát thân, nhắm mắt, còn ôm…”.
Nước mắt tôi đã nhòe đi, người chị đồng nghiệp đi cùng tôi cũng rưng rưng nhòa lệ nhưng chúng tôi không chỉ rơi nước mắt ở nghĩa trang, nước mắt chúng tôi còn rơi thật nhiều ở đồi A1 - nơi diễn ra trận đánh ác liệt nhất của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Đồi A1 (theo cách gọi của Pháp là Eliane 2) nằm trong hệ thống cứ điểm trên dãy đồi phía Đông Mường Thanh. Do vị trí đặc biệt quan trọng, quân Pháp đã xây dựng A1 trở thành ổ đề kháng mạnh nhất Điện Biên Phủ với hệ thống hầm ngầm bí mật vô cùng kiên cố, bố trí hỏa lực mạnh với các ổ súng máy, lỗ châu mai sao cho một lính phòng ngự có thể cùng lúc chống lại nhiều lính tấn công. Pháp còn liên tục tăng viện những lực lượng mạnh nhất và hỗ trợ tối đa hỏa lực để bảo vệ cứ điểm này đến cùng. Do vậy, dù ta tiến công liên tục nhưng không chiếm được đồi.
Lúc bấy giờ, để có thể chiếm được đồi A1, cách duy nhất là phá tung hầm ngầm mà địch vẫn cố thủ trong các đợt tấn công của ta. Trung đoàn trưởng 174 Nguyễn Hữu An đề nghị Bộ Tư lệnh chiến dịch cho đào một đường hầm đến dưới hầm ngầm của địch và dùng khối bộc phá thật lớn để phá. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chuẩn y và giao cho công binh đảm nhiệm công việc khó khăn này. Sau hơn 14 ngày ròng rã đào hầm, dù chưa đến đích nhưng do đất quá cứng, hơn nữa, không thể kéo dài thời gian thêm nên ta vẫn quyết định đánh trận cuối cùng.
Đúng 20h30' ngày 6/5/1954, lệnh tấn công đợt cuối cùng vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu. Sức công phá dữ dội của khối bộc phá nặng gần một ngàn cân đã thổi bay lô cốt phía trên và phần lớn đại đội dù số 2 của địch. Dù không phá được hầm ngầm của địch nhưng chấn động của khối bộc phá đã làm cho quân địch ngất xỉu, tạo điều kiện cho ta xung phong tiêu diệt và bắt sống quân địch trên đồi A1.
Ngoài những kiến thức lịch sử về trận đánh quyết định trên ngọn đồi này, chúng tôi còn được nghe rất nhiều câu chuyện xúc động. Đó là chuyện về những người lính công binh thay nhau đào từng tấc hầm để vận chuyển bộc phá, phục vụ kế hoạch “lấy hầm trị hầm” của ta; về 2 chiến sĩ Nguyễn Điệt và Nguyễn Bạch đã xung phong cảm tử để điểm hỏa khối bộc phá gần 1.000 kg, phá hủy một số lô cốt, chiến hào và tiêu diệt phần lớn đại đội dù số 2 của địch, khiến chúng hoảng loạn để bộ đội ta thừa thắng xông lên đánh chiếm hầm chỉ huy của địch ở đồi A1 và giành chiến thắng vào ngày 7/5/1954.
Đó là câu chuyện về ngôi mộ chung của 4 chiến sĩ đã hy sinh khi dùng súng bắn xe tăng vào rạng sáng 1/4/1954; về nỗi trăn trở của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Chúng ta không được để đồng chí nào hy sinh mà không được về nghĩa trang cùng với các đồng đội” và sự thật về những liệt sĩ đã hy sinh và đang nằm lại đâu đó trong lòng đất Điện Biên, không còn khả năng quy tập. Đó là chuyện xúc động về rừng cây tếch do các CCB quyên góp, huy động để trồng, che bóng mát cho các đồng đội đang nằm lại trên ngọn đồi A1…
Bây giờ, khi tôi ngồi viết những dòng này thì mùa hoa ban đã kết trái, những cây phượng trên đồi A1 đã bung nở đỏ rực, cánh đồng Mường Thanh lúa đã chín vàng và chắc hẳn, dòng người từ muôn phương về với Điện Biên ngày một đông.
Tôi cứ nhớ mãi, hôm ấy ở đồi A1, trên đoạn đường về lại chân đồi, tôi đã thêm một lần rưng rưng xúc động khi nghe tiếng bài hát “Chiến thắng Điện Biên” phát ra từ túi áo của một CCB đang ngược đồi - “Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về/ Giữa mùa này hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui”.
Tôi xúc động khi nghĩ đến niềm mong ước một lần đến Điện Biên chưa thành hiện thực của bố tôi, của bao nhiêu CCB, cựu TNXP, dân công hỏa tuyến từng tham gia chiến dịch… Tôi không kịp hỏi chuyện những CCB đang ngược dòng lịch sử ấy nhưng tôi biết, trong lồng ngực họ đang reo vang những khúc hát anh hùng về quân và dân ta, về những địa danh lịch sử như dốc Pha Đin, đèo Lũng Lô, về những cánh đồng, những ngọn đồi Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam, Độc Lập…
Chúng tôi cũng vậy, mỗi bước qua một di tích trên mảnh đất lịch sử là lòng lại dậy lên những khúc hát anh hùng về những người con anh hùng của Tổ quốc - những người đã cùng nhau ngã xuống cho đất nước đứng lên, đã cùng nhau làm nên một “Điện Biên sáng rực”, một Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”…