Theo ông Trần Văn Thảo - Giám đốc Công ty Trầm hương Hiếu Thảo (Võ Ninh – Quảng Ninh – Quảng Bình): Giá trầm giảm xuống rất nhiều, nhiều doanh nghiệp hiện nay cũng chỉ sản xuất cầm chừng, chịu thua lỗ.
Ồ ạt trồng dó trầm
Số liệu từ Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh, năm 2013, cây dó trầm trên địa bàn Hà Tĩnh chủ yếu phân bố trên địa bàn 4 huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang và Kỳ Anh với diện tích khoảng 3.000 ha. Trong đó, Hương Khê có số lượng nhiều nhất (2.363.123 cây, tương đương 2.363,1 ha). Diện tích này còn tăng mạnh cho đến hiện tại. Đáng nói, sự phát triển rầm rộ cây dó trầm không hề có sự định hướng của chính quyền mà hoàn toàn do người dân trên địa bàn trồng tự phát.
Khoảng thời gian từ năm 2014 trở về trước, giá cây dó trầm luôn tăng theo thời gian. Theo một thương lái, ở thời điểm đỉnh cao, những cây có đường kính từ 15-20 cm, nếu được cấy chế phẩm sinh học thì sau 2 năm, bình quân mỗi cây có thể cho thu hoạch 2 kg trầm mảnh với giá bán bình quân 10 triệu đồng/kg. Dù không nằm trong quy hoạch chiến lược phát triển cây trồng của huyện nhưng vì lợi nhuận trước mắt, nhiều người vẫn chạy đua theo thị trường tức thời, ồ ạt trồng dó trầm bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng về rủi ro trong tương lai.
Anh Nguyễn Văn Châu (xã Phúc Trạch) chia sẻ, khi đó, nhận thấy giá cây dó thành phẩm quá cao và tăng liên tục, gia đình anh và đa số người dân trong vùng tích cực trồng với hy vọng đổi đời. Trong khi đó, bưởi Phúc Trạch - vốn được coi là cây chiến lược, có giá trị kinh tế cao lại liên tục mất mùa nên không ít hộ dân chặt bỏ để trồng dó.
Sản phẩm trầm hương tốc bông có giá hàng trăm đến hàng tỷ đồng, nhưng ít ai biết công dụng thực tế của nó.
Lao đao với dó
Đến nay, giá trị kinh tế của cây dó trầm đã giảm rất mạnh, có nơi, đến mức “cho không”. Chị Phạm Thị Mai (Hương Trà) chia sẻ, khoảng năm 2005, gia đình chị mua gần 400 cây dó trầm về trồng trong vườn với hy vọng sẽ mang lại nguồn thu lớn cho gia đình. Thực tế, đến năm 2012, đã có thương lái đến trả giá 200 triệu đồng, nhưng chị không bán. Cũng trong năm 2012, chị bán 17 cây lớn với giá 27 triệu đồng, thương lái gửi lại vườn 2 năm để tạo trầm, nhưng đến nay, sau hơn 4 năm, vẫn chưa thể thu hoạch như hợp đồng.
“Nhiều lần tôi thúc giục thương lái đến chặt cây để lấy đất tái sản xuất nhưng không được, thậm chí, có lần họ trả lời: Chị chặt đi mà làm củi. Còn với những cây khác trong vườn, hiện nay, thương lái chỉ hỏi mua với giá 8.000 đồng/kg. Theo như tôi tính, với giá này, mỗi cây dó sau 12 năm trồng và chăm sóc có giá khoảng 200 nghìn đồng, tương đương 5 quả bưởi Phúc Trạch”, chị Mai cay đắng nói thêm.
Anh Nguyễn Văn Châu cũng chia sẻ, ở các xã khác, cây dó gần như mất giá hẳn, thậm chí không thể bán được, còn riêng xã Phúc Trạch, giá cũng đã giảm hơn 3 lần so với 2 năm trước, khách mua cũng ít hơn.
Đua nhau trồng dó, nhưng ngay cả với những người dân địa phương cũng ít ai biết được công dụng của cây dó, thậm chí, không biết người ta mua để làm gì, hoặc chỉ là suy đoán. Họ chỉ biết thương lái mua rồi vận chuyển vào các tỉnh như Huế, Khánh Hòa, Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh hoặc ra Hà Nội, chứ thực tế cũng không biết giá trị thực vì không có một bộ quy chuẩn nào làm căn cứ xác định, phần lớn chỉ theo kinh nghiệm và bằng cảm quan, trên cơ sở giá cả thỏa thuận.
Người dân cũng không biết được đầu mối thu mua chính gốc, nên thường phải bán qua thương lái trung gian. Thêm một điều khó khăn nữa là các loại hóa chất hay chế phẩm sinh học tạo trầm trên địa bàn chưa thực sự mang lại hiệu quả tốt nhất, nhiều loại không có nhãn mác, không được công nhận.
Ông Trần Văn Thảo - Giám đốc Công ty Trầm hương Hiếu Thảo (Võ Ninh - Quảng Ninh - Quảng Bình), người có hơn 10 năm gắn bó với cây dó Hương Khê, cho biết: Cây dó rớt giá là thực trạng chung trên cả nước, riêng ở Phúc Trạch, cây dó trầm vẫn có giá cao so với các nơi khác do chất lượng dầu rất tốt. Hiện tại, khách hàng ở nước ngoài có nhu cầu mua rất thấp, đặc biệt là các nước Trung Đông, nên hàng trong nước bị ứ đọng. Trong khi đó, nhiều vườn dó của nông dân lại đến kỳ thu hoạch hàng loạt, nên cung đã vượt quá cầu. Vì thế, giá giảm xuống rất nhiều, nhiều doanh nghiệp hiện nay cũng chỉ sản xuất cầm chừng, chịu thua lỗ.
Về vấn đề định giá cây dó, ông Thảo nói, có nhiều yếu tố để định giá như lượng dầu, mùi thơm, “sâu phá”… ngay cả những người có kinh nghiệm nhất cũng chỉ xác định được khoảng 70% giá trị cây dó. Nếu may mắn, gặp hàng trầm hương hoặc “tốc bông” thì coi như “đổi đời”, vì giá trị lên đến hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng. Riêng câu hỏi: Dó trầm dùng để làm gì? thì ông Thảo không trả lời cụ thể.
Xã Phúc Trạch không chỉ là vùng nguyên liệu dó trầm, mà nhiều người còn đi khắp các địa phương khác thu mua cây dó về chế biến, bán lại cho các thương lái nơi khác. Nghề chế biến trầm hương khá phổ biến ở đây nên có thời điểm nhiều gia đình có được việc làm đều đặn, với mức thu nhập ổn định. Tuy nhiên, hiện nay, từ chủ hàng đến những người làm công đều gặp khó vì giá cây dó “rớt” mạnh.
Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Khê Lê Quang Vinh cho biết, dù có thời điểm giá trị kinh tế của cây dó trầm lên rất cao nhưng huyện không khuyến khích người dân trồng và không đưa vào danh sách cây trồng chiến lược của huyện. Hiện, chúng tôi khuyến khích người dân trồng các loại cây ăn quả như cam, bưởi thay vì dó trầm, đồng thời tuyên truyền nhằm hạn chế diện tích mở rộng trồng dó.