Doanh nghiệp phá sản, ngành thuế thất thu
Hoạt động trên lĩnh vực xuất khẩu gỗ, nhiều năm qua, Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Hoàn Vũ đã tham gia đóng nộp thuế bền vững cho huyện Hương Khê. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, khi CHDCND Lào có chính sách cấm xuất khẩu gỗ thì doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vô cùng khó khăn. Trong 3 năm liên tục, công ty không hề xuất khẩu được lô hàng nào. Đã vậy, việc kinh doanh nội địa gặp khó do giá gỗ liên tục giảm.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gỗ Hương Khê phá sản, giải thể khiến ngành thuế hụt thu
Chị Lê Thị Nghĩa - kế toán công ty TNHH Thương mại tổng hợp Hoàn Vũ chia sẻ: “Giá gỗ nội địa chỉ đủ để hòa vốn, thậm chí là doanh nghiệp phải chịu lỗ. Việc kinh doanh khó khăn nên từ năm 2017 đến nay, đơn vị còn nợ thuế khoảng 500 triệu đồng và đang bị cưỡng chế hóa đơn. Hiện nay, tất cả các doanh nghiệp kinh doanh gỗ trên địa bàn huyện Hương Khê đều gặp khó khăn như vậy”.
Như Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Hoàn Vũ đang nỗ lực bám trụ; còn hiện nay, đa số các doanh nghiệp kinh doanh gỗ trên địa bàn đều đã chuyển ngành nghề kinh doanh hoặc bỏ khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh, phá sản, giải thể.
Theo thống kê của Chi cục Thuế huyện Hương Khê, trên địa bàn có 169 doanh nghiệp và 52 HTX. Tuy nhiên, hiện chỉ có 43 doanh nghiệp và 2 HTX có phát sinh thuế. Từ đầu năm đến nay, trên hệ thống kê khai phát sinh thuế của đơn vị, hàng chục doanh nghiệp vẫn treo tên nhưng tờ khai phát sinh thuế là không hề có.
Doanh nghiệp kê khai tại Chi cục Thuế huyện Hương Khê
Anh Lê Hồng Liêm – Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Hương Khê chia sẻ: “Hương Khê có khoảng 50 doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực xuất khẩu gỗ hiện đang rơi vào tình trạng điêu đứng. Nhiều doanh nghiệp nay đã ngừng hoạt động, phá sản. Nguồn thu bền vững của đơn vị là từ doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp phá sản thì đơn vị hụt thu là lẽ đương nhiên. Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với chính quyền địa phương để từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”.
Khó thu từ đất
Hoạt động của doanh nghiệp đã vậy, việc tổ chức quy hoạch bán đất để tăng thu ngân sách cho địa phương cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đến thời điểm hiện tại, Chi cục Thuế huyện Hương Khê thu tiền sử dụng đất mới chỉ đạt 59% chỉ tiêu HĐND tỉnh giao. Trong đó, rất nhiều địa phương quy hoạch bán đất gặp khó. Như xã Lộc Yên, năm 2018, xã dự kiến thu khoảng 3 tỷ đồng từ bán đất nhưng đến nay chỉ mới được khoảng 1 tỷ đồng. Hay như xã Hương Trà, từ đầu năm đến nay mới chỉ thu được 200 triệu đồng từ bán đất.
“Thu tiền sử dụng đất cần sự phối hợp tích cực của chính quyền địa phương nhưng một số xã chưa quyết liệt. Ngoài yếu tố chủ quan, thu từ đất còn chịu sự chi phối bởi nguyên nhân khách quan. Hương Khê là địa bàn đất rộng người thưa, trong điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì việc quy hoạch bán đất sẽ rất khó khăn” – Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Hương Khê Lê Hồng Liêm nhấn mạnh...
Thủ tục hành chính thuế được công khai tại trụ sở Chi cục Thuế huyện Hương Khê
Trước nguồn thu từ đất đạt thấp, ngày 18/10 vừa qua, Huyện ủy Hương Khê đã ban hành Chỉ thị số 34 của BTV Huyện ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thu ngân sách trên địa bàn. Theo đó, BTV Huyện ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Chi cục Thuế và các đơn vị liên quan tập trung quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy mạnh công tác thu ngân sách.
Giải pháp được ưu tiên là tập trung đấu giá, giao đất, thu tiền cấp quyền sử dụng đất, xử lý kịp thời các loại tài sản, thiết bị của các đơn vị không còn hoạt động đã bàn giao cho huyện và xã quản lý…
Năm 2018, Hương Khê được HĐND tỉnh giao chỉ tiêu thu ngân sách 67 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/10, Chi cục Thuế huyện Hương Khê thu đạt 49,79 tỷ đồng, bằng 74,3% chỉ tiêu kế hoạch HĐND tỉnh giao và đạt 84,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, một số chỉ tiêu thu đạt thấp như: quốc doanh và ngoại tỉnh (đạt 37% chỉ tiêu tỉnh giao), ngoài quốc doanh (đạt 72% chỉ tiêu tỉnh giao), phí và lệ phí (đạt 59% chỉ tiêu tỉnh giao), thu tiền sử dụng đất (đạt 59% chỉ tiêu tỉnh giao)... |