Đề phòng rầy nâu, rầy lưng trắng nở rộ từ ngày 15/7
Theo kết quả điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, hiện rầy nâu, rầy lưng trắng đã xuất hiện mật độ trung bình 500-700 con/m2, nơi cao 1.000 - 1.500 con/m2, cục bộ 2.500 - 3.000 con/m2, rầy tuổi 4, tuổi 5, trưởng thành và có sự xen gối lứa. Diện tích nhiễm trên toàn tỉnh trên 10 ha, chủ yếu tập trung ở các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Đức Thọ…
Thời điểm này, hơn 4.500 ha lúa hè thu của huyện Kỳ Anh đang bước vào giai đoạn làm đòng. Đây là lúc thân cây non xanh, chứa nhiều dinh dưỡng, trở thành thức ăn “hấp dẫn” đối với rầy nâu, rầy lưng trắng, cục bộ có những ổ rầy tập trung từ 2.500 - 3.000 con/m2.
Bà Phan Thị Mận (thôn Phú Thượng, xã Kỳ Phú, Kỳ Anh) chia sẻ: “Thời điểm này, những ruộng lúa thâm canh cao, bón nhiều đạm, cấy dày, rậm rạp khua nhẹ cái là đã thấy đàn rầy nâu, rầy lưng trắng bay lên; một số vùng nhiễm nặng bắt đầu có dấu hiệu thối gốc, úa vàng. Rầy đang trong thời kỳ tích lũy, sẽ nhân lên rất nhanh về số lượng nên bà con phải tập trung xử lý số diện tích lúa đã nhiễm nặng, tiếp tục theo dõi để tiến hành phun phòng trừ kịp thời trong thời gian tới”.
Hình thái nắng nóng, có mưa rào xen kẽ khiến rầy nâu, rầy lưng trắng nhân lên nhanh chóng về số lượng cũng đang làm cho bà con nông dân huyện Đức Thọ lo lắng. Ông Phạm Tuấn (thôn Quyết Tiến, xã Bùi La Nhân) cho biết: “Năm nay, nắng nóng kéo dài cùng với nguồn sâu bệnh chuyển tiếp từ vụ xuân nên tập đoàn rầy phát sinh sớm hơn so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, rầy nâu chích hút nhựa, làm lá bị héo vàng, cây sinh trưởng kém hẳn. Loài này còn là trung gian truyền một số bệnh vi - rút như: vàng lùn, lùn xoắn lá nên càng cần phải chú ý phòng trừ sớm”.
Dự báo, rầy lứa 2 sẽ ra rộ từ thời điểm 15/7 trở đi, có nguy cơ gây cháy ở những vùng có mật độ cao. Cán bộ chuyên môn đang tăng cường điều tra phát hiện, chú trọng vùng thấp trũng, vùng hằng năm rầy thường phát sinh gây hại; chủ động cảnh báo, hướng dẫn các địa phương và bà con nông dân tiến hành phun trừ kịp thời xung quanh thời điểm ngày 15/7 trở đi. Sau khi phun thuốc 5 - 6 ngày, nếu mật độ rầy còn cao thì tiếp tục phun lại lần hai.
Chủ động phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 2
Trong lúc bà con đang "đau đầu" xử lý tập đoàn rầy nâu, rầy lưng trắng thì bệnh khô vằn, sâu cuốn lá nhỏ… tiếp tục “xuất kích” tấn công lúa hè thu tại tại nhiều địa phương, đe dọa đến sự phát triển và năng suất cuối vụ.
Qua điều tra, hiện nay, sâu cuốn lá lứa 2 đã ra rộ, mật độ trung bình 5-7 con/m2, nơi cao 10-15 con/m2, sâu non tuổi 1, tuổi 2, phân bố ở hầu hết các địa phương. Điều đáng nói, sâu rải lứa, xen gối lứa ngay trong từng vùng, từng thôn, khiến công tác phòng trừ của bà con thêm phần khó khăn. Sâu lứa 2 sẽ cắn phá mạnh nhất ở tuổi 3, tuổi 4, tuổi 5, tiếp tục tích lũy để chuẩn bị cho chu kỳ mới.
Ông Phan Thanh Nghi - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Đây là thời kỳ sinh trưởng quan trọng nhất của cây lúa, nếu không phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ kịp thời sẽ làm tổn hại đến năng suất. Huyện chủ động điều tra, phát hiện, căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng vùng, mật độ sâu gây hại để khuyến cáo bà con tập trung xử lý kịp thời khi sâu tuổi 1, tuổi 2”.
Ngoài ra, hiện nay, bệnh khô vằn đã phát sinh, gây hại cục bộ trên diện tích gieo cấy dày, bón thừa đạm, diện tích nhiễm hơn 150 ha. Bệnh sẽ tiếp tục gia tăng cả về mức độ và phạm vi gây hại từ nay đến khi lúa trổ đòng - chín sáp.
Ông Trần Xuân Vỹ (thôn Trung Long, xã Trung Lộc, Can Lộc) cho biết: “Những ngày qua, thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao, chiều tối lại có mưa rào giúp lúa được cung cấp thêm dưỡng chất tự nhiên nhưng cũng rất thuận lợi cho bệnh khô vằn phát triển. Tôi gieo cấy 9 sào lúa, một số vùng vết bệnh đã bắt đầu xuất hiện nhiều lên sau các cơn mưa giông”.
Theo khuyến cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, thời gian tới, thời tiết bước vào tiết Tiểu Thử với hình thái nắng nóng, có mưa rào xen kẽ là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh, phát triển và có nguy cơ ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển, năng suất lúa hè thu.
Để chủ động phòng trừ, hạn chế thiệt hại do dịch hại gây ra, cần duy trì đủ nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lúa sinh trưởng phát triển; kiểm tra tình hình sinh trưởng của lúa để tiến hành bón thúc đòng kịp thời. Đồng thời, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ...; chú trọng ở các vùng thấp trũng, vùng xanh tốt bón thừa đạm, các khu vực hằng năm sâu bệnh thường phát sinh, gây hại nhiều.
Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, trong quá trình sử dụng thuốc cần tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc “4 đúng” và hướng dẫn sử dụng trên nhãn bao gói. Điều tiết nước hợp lý, bón phân đón đòng cân đối tạo điều kiện thuận lợi cho lúa sinh trưởng, phát triển và phát huy hiệu lực của thuốc trong quá trình phòng trừ. Phun thuốc vào thời điểm sáng sớm hoặc chiều mát; quá trình xử lý thuốc trên đồng ruộng chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, nhất là điều kiện thời tiết nên cần linh hoạt về thời gian phun, thời điểm phun lại lần 2 (nếu cần thiết) để phát huy tối đa hiệu quả phòng trừ.