Đồng hành cùng sự phát triển của phụ nữ miền núi Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Quỹ Phát triển phụ nữ huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã và đang tạo nguồn sinh kế cho nhiều phụ nữ trên địa bàn mạnh dạn phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Đồng hành cùng sự phát triển của phụ nữ miền núi Hà Tĩnh

Có thêm vốn từ Quỹ phát triển phụ nữ huyện Hương Sơn, chị Lê Thị Thân đã vững vàng hơn trong phát triển kinh doanh.

Trước đây, gia đình chị Lê Thị Thân (SN 1978, trú tại thôn 3 xã Sơn Giang, Hương Sơn) là hộ khó khăn của xã. Năm 2011, với vốn vay ban đầu gần 6 triệu đồng từ Quỹ Phát triển phụ nữ huyện Hương Sơn, chị có thêm vốn để đầu tư vào việc kinh doanh nông sản.

Năm 2017, chị Thân tiếp tục vay thêm 14 triệu đồng của quỹ, kết hợp với số tiền tích lũy được, chị mạnh dạn đầu tư sản xuất thêm các mặt hàng khác như: kẹo cu đơ, dầu lạc… Sau đó, năm 2019 - 2020, chị tiếp tục vay từ quỹ gần 65 triệu đồng. Từ đó, việc kinh doanh của chị Thân không ngừng được mở rộng.

Đến nay, mỗi năm chị Thân đều có nguồn vốn ổn định để thu mua gần 300 tấn nông sản các loại; trung bình mỗi tháng, cơ sở của chị sản xuất được hơn 60 nghìn sản phẩm kẹo cu đơ, kẹo lạc, hàng trăm lít dầu lạc để bán ra thị trường. Sản phẩm của chị Thân sản xuất đến đâu bán hết đến đó, bình quân mỗi năm cho thu nhập gần 180 triệu đồng, cuộc sống hiện đã khấm khá hơn.

Đồng hành cùng sự phát triển của phụ nữ miền núi Hà Tĩnh

Các thủ tục vay vốn đơn giản, tiền gốc và lãi được trả dần hằng tháng giúp hộ vay giảm gánh nặng, yên tâm đầu tư sản xuất. (Trong ảnh: Chị Thân được cán bộ Quỹ Phát triển phụ nữ huyện Hương Sơn hướng dẫn làm thủ tục gửi tiết kiệm của quỹ).

Được biết, đối tượng cho vay của Quỹ Phát triển phụ nữ huyện Hương Sơn là hội viên phụ nữ thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có cuộc sống trung bình… Quỹ được triển khai với phương thức vay tín dụng, thông qua tổ bảo lãnh trả, góp hàng tháng, thủ tục vay đơn giản, không cần thế chấp tài sản, mức cho vay đa dạng từ 2 triệu đồng đến gần 50 triệu đồng.

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sơn Giang Dương Thị Hồng Thanh cho biết: “Được triển khai từ năm 2010. Hiện trên địa bàn có 9 tổ với 157 thành viên vay vốn. Nguồn vốn của Quỹ Phát triển phụ nữ huyện Hương Sơn thực sự là “phao cứu sinh”, tạo động lực phát triển kinh tế cho nhiều chị em tại địa phương, góp phần xóa nghèo, nâng cao thu nhập cho các gia đình".

Cũng như chị Lê Thị Thân ở Sơn Giang, nhờ vay vốn của Quỹ Phát triển phụ nữ huyện Hương Sơn mà cuộc sống của chị Phạm Thị Chung (SN 1974, trú tại thôn 7 xã Sơn Lĩnh, Hương Sơn) đã khấm khá hơn.

Đồng hành cùng sự phát triển của phụ nữ miền núi Hà Tĩnh

Với nguồn vốn vay từ quỹ phát triển phụ nữ kết hợp với các nguồn tài chính khác, chị Phạm Thị Chung có thêm vốn để đầu tư vào phát triển chăn nuôi và trồng cam, bưởi.

Chị Chung cho biết, năm 2016, sau khi vay hơn 10 triệu đồng từ quỹ cộng với một ít vốn dành dụm được, chị đã đầu tư vào phát triển chăn nuôi lợn, bò. Các năm tiếp theo, chị vay thêm vốn từ quỹ gần 60 triệu đồng để phát triển chăn nuôi tổng hợp.

Hiện nay, chị Chung đã có trong tay mô hình kinh tế tổng hợp với hơn 2 ha cam bưởi các loại, đàn lợn gần 30 con, gần 200 con bồ câu cùng đàn bò 4 con và gần 15 ha keo. Tổng thu nhập hằng năm của gia đình chị Chung đạt gần 200 triệu đồng, đời sống gia đình khá giả hơn, chị Chung đang dần trả được hết các khoản vay, có tiền tích góp và đầu tư thêm vào phát triển kinh tế.

Đồng hành cùng sự phát triển của phụ nữ miền núi Hà Tĩnh

Đầu tư vào chăn nuôi đã giúp chị Chung có nguồn thu nhập đều đặn, các khoản vay được trả dần.

Trưởng Văn phòng giao dịch Quỹ Phát triển phụ nữ huyện Hương Sơn Nguyễn Thị Linh thông tin: “Trung bình mỗi năm, quỹ phát triển được gần 500 thành viên mới, giải ngân trên 16 tỷ đồng và huy động trên 1,2 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm. Đến nay, quỹ đã giúp trên 800 thành viên thoát nghèo bền vững, tỷ lệ thu hồi gốc lãi hàng tháng luôn đạt 100%.

Ngoài ra, quỹ còn xây dựng được 158 tổ tiêu dùng tiết kiệm tại 19 xã trên toàn huyện với 2.022 thành viên tham gia (hàng tháng, các thành viên tham gia gửi tiết kiệm từ 50 ngàn đồng đến 1 triệu đồng), dư tiết kiệm hơn 4,2 tỷ đồng để sẵn sàng trợ giúp các hội viên vay vốn kịp thời".

Đồng hành cùng sự phát triển của phụ nữ miền núi Hà Tĩnh

Nhờ có nguồn vốn từ quỹ phát triển phụ nữ cùng với nguồn vốn khác, chị Chung đã gây dựng được kinh tế, xây dựng được nhà cửa khang trang hơn.

Chủ tịch Hội LHPN Hương Sơn Võ Thị Hương đánh giá: “Quỹ Phát triển phụ nữ huyện Hương Sơn có tính ưu việt khi hồ sơ vay vốn đơn giản, giải ngân tại địa phương, tiền gốc và lãi được trả dần hàng tháng giúp hộ vay giảm gánh nặng, người vay có thời gian đầu tư tích lũy vốn, nhờ đó nhiều hội viên vươn lên thoát nghèo, có điều kiện sống tốt hơn”.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Giá vàng giảm xuống thấp nhất gần 2 tháng

Giá vàng giảm xuống thấp nhất gần 2 tháng

Theo các chuyên gia, giá vàng hạ nhiệt do đồng USD mạnh lên sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đồng thời chịu áp lực do lập trường ủng hộ bitcoin của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Tài chính thị trường ngày 12/11: Lãi suất cho vay khó giảm thêm

Tài chính thị trường ngày 12/11: Lãi suất cho vay khó giảm thêm

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay khó giảm thêm vì rủi ro của nền kinh tế đang ở mức cao và tỷ giá có thể diễn biến phức tạp. Chi tiết có trong Bản tin Tài chính thị trường ngày 12/11 của Báo Hà Tĩnh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.