Những loại thuốc được nhập khẩu từ Mỹ dành cho hoạt động giải độc cần nguồn kinh phí lớn
Là trung tâm hoạt động theo cơ chế xã hội hóa, trong lúc Bộ Tài chính chưa có quy định về việc hỗ trợ kinh phí để nuôi dưỡng, chăm sóc bệnh nhân da cam nên việc huy động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp hết sức khó khăn. Hoạt động của Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi, dạy nghề, xông hơi, tẩy độc cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin vì thế cũng nhỏ giọt, lắt lay.
Quá trình miệt mài tìm kiếm nguồn lực để duy trì hoạt động cho trung tâm cuối cùng cũng đã được đền đáp. Dự án CSSK cho nạn nhân da cam/dioxin với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng sẽ được thực hiện từ cuối năm 2018 - 2021.
Đại tá Nguyễn Xuân Hệ - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Hà Tĩnh cho biết: “Đầu tháng 5/2018, tình cờ nghe được thông tin về chương trình CSSK cho nạn nhân da cam/dioxin của Bộ Y tế theo tinh thần Chỉ thị 43 của Ban Bí thư Trung ương, chúng tôi đã xây dựng dự án với dự kiến nguồn kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Rất mừng là dự án đó đã được Bộ Y tế chấp nhận”.
Máy khám bệnh bằng lượng tử từ ( công nghệ của Đức) giúp phân tích 36 chỉ số cơ thể bệnh nhân
Theo Đại tá Nguyễn Xuân Hệ, với nguồn kinh phí dự kiến trên 10 tỷ đồng từ 2018 - 2020, Tỉnh hội sẽ tiếp tục đổi mới công tác nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, dạy nghề cho các nạn nhân ở trung tâm theo chế độ bao cấp 100%.
Cụ thể, mỗi năm sẽ có khoảng 24 đợt chăm sóc, nuôi dưỡng, giải độc cho nạn nhân chất độc da cam với khoảng 800 người được hưởng lợi. Ngoài ra, nguồn kinh phí sẽ thực hiện việc phục hồi chức năng cho trẻ khiếm thính và trả lương cho cán bộ, nhân viên tại trung tâm.
Tin vui này thực sự mang đến niềm hy vọng cho hơn 7.500 nạn nhân nhiễm chất độc da cam, dioxin trên địa bàn Hà Tĩnh. Ông Nguyễn Hữu Tài ở thôn 3 xã Cẩm Quan cho biết: “Gia đình tôi cả 3 thế hệ đều bị di chứng của chất độc da cam, đồng lương ít ỏi của 2 vợ chồng không đủ để đắp đổi thuốc men cho bản thân và con cháu. Vì thế, thời gian qua, Trung tâm đã thực sự là nơi chia sẻ nỗi đau, là chỗ dựa về vật chất và tinh thần cho chúng tôi bằng các hoạt động khám, tư vấn, thải độc để cải thiện sức khỏe".
Bác sỹ Nông (ngoài cùng bên trái) tư vấn sức khỏe cho gia đình ông Nguyễn Hữu Tài có 3 thế hệ nhiễm chất độc da cam tại trung tâm
Được biết, mỗi năm trung tâm có 2 đợt CSSK miễn phí cho nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh. Thời kỳ đầu mới thành lập, mỗi đợt chăm sóc kéo dài từ 3 - 4 tháng, các nạn nhân sẽ được tập trung nuôi dưỡng, chăm sóc, tập phục hồi chức năng và số đối tượng có sức khỏe ổn định hơn sẽ được dạy nghề.
Thế nhưng, vài năm gần đây, nguồn ngân sách huy động từ xã hội hóa dành cho việc nuôi dưỡng, chăm sóc nạn nhân da cam ngày càng hạn hẹp. Vì thế, mỗi đợt nuôi dưỡng tập trung giờ chỉ còn hơn 1 tháng và số đối tượng cũng ít hơn. Tương tự, việc xông hơi giải độc từ ngày triển khai tới nay cũng chỉ được trên 300 người. Hoạt động của trung tâm gần như tê liệt và đứng trước nguy cơ “khai tử”.
Bác sỹ Phạm Công Nông - Phó Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi, dạy nghề xông hơi tẩy độc cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Hà Tĩnh chia sẻ: “Nguồn kinh phí từ dự án này sẽ giúp chúng tôi sử dụng hiệu quả các trang thiết bị khám chữa bệnh, tập phục hồi, dạy nghề để giúp nạn nhân da cam, dioxin phục hồi sức khỏe, giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội”.