Ngoài lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn và công nghiệp – xây dựng, ngành Ngân hàng Hà Tĩnh xác định thương mại - dịch vụ là một lĩnh vực tiềm năng để phát dư nợ. Theo đó, thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã chú trọng cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hoá về hồ sơ, tạo điều kiện để nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ tiếp cận nguồn vốn vay.
Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh chú trọng cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện để doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn vay.
Ngoài ra, trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất, kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế như: chi phí sản xuất gia tăng, đơn hàng giảm, lượng hàng tồn kho lớn... thì ngành ngân hàng đã chủ động triển khai các giải pháp nhằm hạ lãi suất cho vay. So với thời điểm đầu năm 2023, lãi suất cho vay tại các ngân hàng hiện đã giảm trên dưới 2%/năm. Nhờ vậy, đã góp phần để đẩy dư nợ gia tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, tính đến ngày 20/7/2023, dư nợ lĩnh vực thương mại - dịch vụ của các “nhà băng” đạt khoảng trên 58.900 tỷ đồng, tăng khoảng 3,9% so với thời điểm cuối năm 2022 và chiếm tỷ trọng 64,5% tổng dư nợ trên toàn địa bàn.
Theo ghi nhận, ngoài tốp “big4” là Agribank, BIDV, VietinBank và Vietcombank, hiện nay, khối ngân hàng thương mại cổ phần cũng tăng cường cho vay lĩnh vực này, góp phần thúc đẩy tăng trưởng phát triển kinh tế.
Dư nợ lĩnh vực thương mại - dịch vụ của Hà Tĩnh chiếm 64,5% tổng dư nợ toàn địa bàn.
Từ nay đến cuối năm, NHNN Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh sẽ chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tiếp tục hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. Trong đó, các ngân hàng chủ động các giải pháp nhằm ưu tiên nguồn vốn cho lĩnh vực nhiều tiềm năng là thương mại - dịch vụ.