Những năm gần đây, không riêng các “ông lớn” (Agribank, BIDV, Vietcombank...) mà khối ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn Hà Tĩnh cũng có xu hướng chuyển mũi nhọn tăng trưởng tín dụng sang ngành nông – lâm – thủy sản. Các ngân hàng đều dành gói tín dụng riêng cho phân khúc khách hàng ở lĩnh vực này với những chính sách ưu đãi, lãi suất cạnh tranh nhằm khai thác tối đa thị trường tín dụng nông thôn.
Các ngân hàng đã đồng hành để doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ cá thể đầu tư các mô hình với đa dạng loại hình như: chăn nuôi gia súc - gia cầm, trồng rừng, trồng cây ăn quả, nuôi trồng - đánh bắt thủy sản, thu mua - chế biến thủy hải sản…
Nhờ nguồn vốn ngân hàng, các cơ sở đã mạnh dạn đầu tư hạ tầng, ứng dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, trong đó có sản phẩm đã tham gia xuất khẩu. Nhiều cơ sở tiếp cận vốn tín dụng đầu tư mô hình quy mô, mang về nguồn thu lớn mỗi năm như: nước mắm Luận Nghiệp (TX Kỳ Anh), nước mắm Phú Khương (huyện Kỳ Anh); bánh ram Anh Thu (Thạch Hà), bánh đa vừng Nguyên Lâm (huyện Kỳ Anh); nhung hươu (Hương Sơn), cam giòn Thượng Lộc, kẹo cu đơ Hạnh Toàn (Can Lộc)…
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, hiện nay, dư nợ tín dụng đối với ngành nông – lâm – thủy sản đạt trên 12.371 tỷ đồng, tăng khoảng 1,06% so với thời điểm cuối năm 2023 và chiếm khoảng 12,89% tổng dư nợ toàn địa bàn.
Ngoài chủ động cung ứng vốn, ngành Ngân hàng Hà Tĩnh còn tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ lĩnh vực nông - lâm - thủy sản như: cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 123/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Tĩnh quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và cơ chế xây dựng nông thôn mới, đô thị tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019 - 2020; Quyết định số 868/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc quy định hướng dẫn trình tự, hồ sơ thủ tục thực hiện chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và cơ chế xây dựng NTM; Nghị quyết số 51/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng tỉnh NTM trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022 - 2025…
Đặc biệt, trong những giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, các chủ mô hình nông - lâm - thủy sản trên địa bàn còn được các tổ chức tín dụng áp dụng nhiều giải pháp hỗ trợ như: điều chỉnh hạn mức tín dụng, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ…
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và các dự án trọng điểm của tỉnh. Đồng thời, tiếp tục ưu tiên nguồn vốn với lãi suất ưu đãi cho ngành nông - lâm - thủy sản, thực hiện có hiệu quả chương trình cho vay lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản quy mô 15.000 tỷ đồng…