Theo dõi thường xuyên sự sinh trưởng của lúa, kiểm tra vết bệnh là cách phát hiện sớm bệnh đạo ôn trên lúa
Đã mấy năm nay, Đức Thọ trở thành điểm “xung yếu” cho bệnh đạo ôn tấn công. Do những đặc thù riêng, vựa lúa thâm canh vào bậc nhất của tỉnh vẫn đang khá chuộng dòng giống thuộc trà xuân trung và đầu xuân muộn Xi23 và P6. Đặc biệt với giống P6, nó đã trở thành thương hiệu gạo Đức Thọ, có thị trường rộng mở. Hằng năm, vào vụ xuân, địa phương này có đến vài nghìn ha sản xuất giống lúa đặc trưng này.
Tuy nhiên, đây lại là một trong số các giống lúa mẫn cảm với bệnh đạo ôn trên lá. Cứ bắt đầu dịp ra tết là bà Lê Thị Thìn (thôn Trung Tiến, xã Trung Lễ) lại thấp thỏm không yên lo bệnh đạo ôn xuất hiện. “Đúng thời điểm bệnh dễ phát sinh nhất thì các đồng cấy P6 đã phát triển mạnh về thân và lá, thêm vào đó, thời tiết ương ẩm nên rất khó tránh. Cả 8 sào ruộng của nhà tôi đều có dấu hiệu xuất hiện vết bệnh. Có điều, bệnh này không phải cứ dồn dập “tấp” thuốc đặc trị ngay từ đầu mà có hiệu quả. Tôi chọn thuốc sinh lý trước rồi dần dần chuyển sang loại đặc trị hơn, vừa giảm mầm bệnh, vừa đảm bảo sự sinh trưởng của lúa”.
Người dân xã Trung Lễ phun phòng trừ đạo ôn
Năm nay, Đức Thọ “phát lệnh” phòng trừ đạo ôn khá sớm. Từ đầu tháng 2, các cảnh báo về hiện tượng thời tiết, sinh trưởng của lúa đã được công bố rộng rãi, “điểm mặt, chỉ tên” các vùng xung yếu nhất.
Trong khi đó, Trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện trở thành “đầu não”, tổ chức điều tra, dự tính, dự báo sự phát triển của bệnh, tập huấn đến tận các thôn quy trình canh tác, kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh một cách chủ động và hiệu quả. Đồng thời, là nơi thu nhận thông tin từ cơ sở để cùng phối hợp xử lý mầm bệnh dứt điểm khi mới phát sinh. Đến thời điểm này, đã có trên 20 xã được Trung tâm tiến hành tập huấn đến tận thôn, xóm.
Thời tiết sương mù nhiều, mật độ gieo cấy cao, Đức Thọ cảnh giác cao sự lây lan của bệnh trên diện rộng
Ông Nguyễn Xuân Linh - Chủ tịch UBND xã Đức La, cho hay: “Vụ xuân 2019, xã Đức La sản xuất 110 ha lúa. Cùng với các biện pháp kỹ thuật, năm nay xã đã định hướng chuyển đổi cơ cấu giống từ nhóm X là chủ yếu sang các giống kháng đạo ôn tốt hơn như nếp 87, nếp 98. Chuyển đổi quy trình chăm sóc cân đối hơn bằng cách tăng phân bón hữu cơ, giảm phân vô cơ và đạm, nhằm “cắt” môi trường phát sinh của bệnh. Việc chủ động ứng phó với sâu bệnh ngay từ đầu vụ đã hạn chế tối đa sự phát sinh, đến thời điểm này, bệnh đạo ôn vẫn trong tầm kiểm soát của bà con nông dân".
Theo kinh nghiệm, đối với dịch bệnh đạo ôn thì biện pháp tối ưu vẫn là vào cuộc sớm, giải quyết dứt điểm các vết bệnh cấp tính từ lúc mới hình thành. Bởi thế mà, hằng năm, dù dấu hiệu bệnh xuất hiện sớm nhưng ảnh hưởng về bệnh đạo ôn ở Đức Thọ không để hậu quả nặng nề như nhiều địa phương khác.