Việc phá sản nhiều DN khai thác đá trên địa bàn Kỳ Anh thời gian qua là bài học nhỡn tiền
Còn lỏng khâu hậu kiểm
Khi Luật Doanh nghiệp năm 2014 có hiệu lực thi hành thì các quy định về thủ tục thành lập DN càng được đơn giản hóa. Do vậy, công tác hậu kiểm có vai trò hết sức quan trọng để đảm bảo DN đã đăng ký có thực sự tồn tại, có hoạt động. Cùng với đó, giải quyết các vấn đề tiêu cực, không hoạt động đúng theo các quy định của pháp luật như việc DN được thành lập để lừa đảo, mua bán hóa đơn do việc thành lập DN quá dễ dàng. Tuy nhiên, thực tế trong thời gian qua, công tác hậu kiểm DN sau đăng ký kinh doanh vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Con số hơn 1.000 DN bị rút giấy phép kinh doanh phần nào đã phản ánh công tác hậu kiểm DN của cơ quan quản lý còn khá lỏng lẻo. Ông Hoàng Trung Thông - Tổng Thư ký Hiệp hội DN Hà Tĩnh cho rằng, thời điểm từ năm 2016 trở về trước, cơ quan chức năng còn lơ là công tác hậu kiểm, thiếu sự phối hợp giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế để kiểm tra việc hoạt động thực chất, kê khai thuế của DN. Còn có việc chênh lệch số liệu DN của cơ quan thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh. Nếu hậu kiểm chặt chẽ hơn, có thể còn có thêm nhiều DN bị rút giấy phép đăng ký kinh doanh chứ không dừng lại ở con số 1.180 DN.
Theo lãnh đạo Sở KH&ĐT Hà Tĩnh, những năm trước đây, sở đã thành lập đoàn hậu kiểm các DN sau đăng ký thành lập, tuy nhiên, do điều kiện nhân lực mỏng, thời gian có hạn nên số lượng DN kiểm tra vẫn còn ít. Dẫn tới việc nắm bắt hoạt động của các DN chủ yếu thông qua tiền kiểm khi đăng ký thành lập (đối với DN có ngành nghề kinh doanh có điều kiện), qua các cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ quan thuế, các địa phương và qua báo cáo tài chính DN nộp tại cơ quan đăng ký kinh doanh.
Việc nới lỏng hoạt động đăng ký DN theo hướng đơn giản hóa thủ tục là nỗ lực lớn của Nhà nước nhằm khuyến khích phát triển DN.
Tăng cường rà soát sau đăng ký kinh doanh
Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Tú Anh cho biết, năm 2016, Sở KH&ĐT đã chủ động triển khai và phối hợp với ngành thuế, các địa phương tập trung rà soát toàn bộ DN trên địa bàn, thực hiện cảnh báo vi phạm và thu hồi đối với những DN không còn hoạt động, bỏ địa điểm kinh doanh. Kết quả sau đợt rà soát, lần đầu tiên Hà Tĩnh cơ bản thống nhất số lượng DN đăng ký giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế. Công tác thu hồi giấy phép của các DN được thực hiện theo đúng trình tự, quy định. Hiện, sở đang tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, rà soát và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và liên tục.
Cũng theo lãnh đạo Sở KH&ĐT, để đảm bảo công tác hậu kiểm đạt được hiệu quả cao, thời gian tới, các cơ quan quản lý cần nhận thức rõ trách nhiệm trong công tác của mình, phối hợp với các cơ quan khác như cơ quan đăng ký kinh doanh, thuế, công an, địa phương để quản lý DN…
Theo đó, các ngành quản lý chuyên ngành chức năng có nhiệm vụ hướng dẫn DN thực hiện quy định pháp luật trong lĩnh vực của mình; thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn và xử lý vi phạm pháp luật của DN. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước đối với DN. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong quá trình hội nhập và phát triển. Bước đầu, Sở KH&ĐT đã xây dựng thành công trang web (http://sokhdthatinh.kdo.vn) để quản lý DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh đến tận xã, phường, thị trấn.
Bên cạnh đó, cần huy động sự tham gia của xã hội và của các chủ thể khác trong quản lý, giám sát DN sau đăng ký thành lập. Vai trò giám sát của bên thứ ba như các chủ nợ và bạn hàng, hiệp hội người tiêu dùng, đối thủ cạnh tranh, hội nghề nghiệp và công luận cũng đóng vai trò hết sức quan trọng.
Cùng đó, sở cũng sẽ phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ DN và Xúc tiến đầu tư tỉnh tổ chức triển khai các lớp tập huấn về các nội dung hoạt động sau đăng ký kinh doanh có chiều sâu và chất lượng.
Trong khi đó, ông Hoàng Trung Thông cho rằng, bên cạnh tăng cường công tác hậu kiểm, tiếp tục rà soát chặt chẽ và xử lý những DN “ảo”, Nhà nước cũng cần có thêm những cơ chế, chính sách, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực người đứng đầu DN. Đặc biệt, các chính sách về vốn, miễn, giảm thuế, tránh việc “có sinh mà không có dưỡng” để DN có thể hoạt động tốt hơn, đúng thực chất hơn.