Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc (Ảnh: Anh Hoài)
Qua bao thăng trầm của lịch sử, các thế hệ người quê tôi đã trung dũng, kiên cường lấy máu hồng viết nên những trang sử vàng oanh liệt. Ta như nghe tiếng thơ Đặng Tất, Đặng Dung một thuở dưới trăng mài gươm đánh giặc. Nghe tiếng voi gầm hùng dũng vượt ngầm đá sông Nghèn, linh ứng lời La Sơn phu tử, Quang Trung Nguyễn Huệ áo vải, cờ đào thần tốc tiến về Thăng Long, thế chẻ tre đại phá 20 vạn quân Thanh xâm lược trong mùa xuân 1789!
Vọng khe núi Trà Sơn, lời thề nghĩa quân, vâng chiếu Cần vương của Vua Hàm Nghi, dốc lòng theo cụ Phan khởi nghĩa chống Pháp. Rạng khí tiết những chí sĩ Ngô Đức Kế, Võ Liêm Sơn, sau song sắt nhà lao hay bị đày ra Côn Sơn đập đá vẫn một trái tim hồng khát khao đi tìm đường giải phóng cho nước, cho dân.
Bến đò Thượng Trụ, đêm tháng 3/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Trung Thiên, Xứ ủy viên Trung Kỳ, Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh được thành lập, đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân tỉnh nhà. Dưới ngọn cờ búa liềm sáng soi, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra như sóng trào, thác cuộn, quần chúng lao khổ vùng lên, đập tan xiềng xích, lập chính quyền xô viết trong 130 làng xã ở cả 3 vùng trung, thượng và hạ Can.
Bến đò Thượng Trụ
Tượng đài liệt sĩ ngã ba Nghèn sáng ngời dũng khí 43 chiến sĩ đã ngã xuống trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh trước sự đàn áp dã man của kẻ thù trong cuộc biểu tình hưởng ứng ngày Quảng Châu công xã 1/5. Hàng trăm đảng viên, quần chúng cách mạng bị sát hại trong cuộc khủng bố trắng của thực dân Pháp. Mặc dù, phong trào sau đó bị dìm trong biển máu, song ngọn lửa cách mạng vẫn âm ỉ cháy để 15 năm sau, nhân dân Can Lộc lại nhất tề đứng dậy cùng đồng bào cả nước đánh đổ ách thực dân, phong kiến. Quê tôi là địa phương giành chính quyền về tay nhân dân sớm nhất trong cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 ở Hà Tĩnh.
Trong các năm 1965-1968, gần 5 vạn quả bom của không quân Mỹ đã trút xuống ngã ba này, hòng ngăn chặn con đường chi viện của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Hàng ngàn bộ đội, công an, TNXP, công nhân giao thông và nhân dân đã sống, chiến đấu anh dũng, ngoan cường, phá bom, sửa đường cho xe ra mặt trận. Tên tuổi các anh hùng: La Thị Tám, Nguyễn Tiến Tuẩn, Vương Đình Nhỏ, Nguyễn Tri Ân... và bao liệt sĩ TNXP, công nhân giao thông, lái xe... như các vì sao lấp lánh, trên mảnh đất Đồng Lộc.
Trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày hi sinh của các liệt sỹ, huyện Can Lộc đã tổ chức lễ cắt băng khánh thành cầu Nhe. Công trình có chiều dài 24m, rộng 10m, tổng vốn đầu tư 11,5 tỷ đồng
Còn đó đài tưởng niệm 1.226 người dân Can Lộc đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu và bị bom Mỹ sát hại. Máu xương nghìn người đã đổ xuống, góp phần cùng cả dân tộc làm nên chiến thắng vinh quang... Còn đó nhịp cầu Nhe sừng sững trên sông, nơi máu xương 54 chiến sĩ đoàn Yên Tử hòa vào đất mẹ Vĩnh Lộc sau trận bom định mệnh.
Sâu nặng nghĩa nước non, trong một đêm, dân làng Thượng Lội, xã Tiến Lộc đã tình nguyện tháo dỡ nhà, lát đường cho xe ra mặt trận.
Không thể quên tội ác giặc Mỹ khi chúng ném bom hủy diệt làng Nam Sơn, thị trấn Nghèn. Một trận bom na-pan cùng lúc đã giết hại 57 dân lành nhưng làng vẫn không hề nao núng, kiên cường bám trụ, giữ vững con đường vận tải huyết mạch.
Linh thiêng đền thờ 23 liệt sĩ TNXP trên cung đường 70 tại xã Phú Lộc; không thể nào quên những đêm vui náo nức mở đường dưới pháo sáng và bom đạn ác liệt của quân thù.
Đền thờ 23 liệt sỹ trên đồi Con Công ở xã Phú Lộc
Tất cả hào khí quê tôi chảy tự nghìn xưa theo mạch nguồn truyền thống, trong thử thách, gian lao, như cùng hội tụ về Đồng Lộc anh hùng. Từ ngã ba lịch sử này, trong trận quyết chiến chiến lược giữa ta và địch, với tinh thần sẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, trùng trùng những đoàn quân ra trận, làm nên đại thắng mùa xuân 1975, quét sạch kẻ thù xâm lược, thống nhất non sông...
Mừng kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc, đi dưới trời xanh quê hương lộng gió mà lòng trào dâng niềm xúc động, tự hào. Cuộc sống mới đã sang trang. Đồng Lộc đau thương ngày nào đang trở mình để vươn lên thị trấn đẹp đẽ, khang trang.