Tất cả các CLB đều mang đến liên hoan chương trình biểu diễn đảm bảo trên 50% thời lượng là yếu tố cổ. Trong ảnh: Tiết mục hát đối giao duyên "Sau lũy tre làng" của CLLB Nghĩa Đồng - Tân Kỳ - Nghệ An.
Ông Nguyễn Cảnh Thụy - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh, thành viên Ban tổ chức Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh 2018 cho biết: “Nhằm nâng cao chất lượng liên hoan đồng thời thúc đẩy quá trình sưu tầm, biên soạn lời cho làn điệu cổ, kỳ này, Ban tổ chức yêu cầu chương trình biểu diễn của tất cả các CLB đều phải đảm bảo trên 50% thời lượng là yếu tố nguyên gốc về làn điệu, đề tài cổ, lời cổ. Và rất mừng là qua 2 ngày diễn ra liên hoan, yêu cầu này đã được các CLB chấp hành nghiêm túc, mang đến nhiều tiết mục sưu tầm và biên soạn độc đáo”.
Trên sân khấu Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh lần thứ IV, nhiều CLB lựa chọn biểu diễn các làn điệu nguyên gốc. Trong ảnh là tiết mục "Thập ân phụ mẫu" của CLB Cẩm Nhượng - Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh
Qua các làn điệu cổ ví, giặm, hò, ru Nghệ và một số làn điệu xẩm, khán giả đã được thưởng thức rất nhiều tiết mục mà ở đó yếu tố lời cổ thấm đẫm trong từng câu hát. Ngoài những tiết mục lời cổ nguyên bản như: “Thập ân phụ mẫu”, “Mẹ dòng lệch gối nghiêng chăn”, “Ví, giặm làng đan”, “Ô lục soạn”, “Phụ tử tình thâm”…, khán giả còn được thưởng thức các bài ví, giặm, hò, xẩm được biên soạn trên cơ sở sưu tầm lời cổ của các nghệ sỹ nhân dân Hồng Lựu, Tiến Dũng, các nhạc sỹ và nghệ nhân ở 2 tỉnh.
Đối ca "Cá gỗ trẩy kinh" của CLB phường Vinh Tân - TP Vinh (Nghệ An) là một trong những tiết mục soạn lời đậm tính cổ được đông đảo khán giả yêu thích
Nghệ nhân Nguyễn Tiến Khởi, tác giả các tiết mục biểu diễn của CLB xã Phú Gia – Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết: “Nhằm tạo nên nét độc đáo cho các tiết mục của CLB xã Phú Gia, tôi đã dành thời gian sưu tầm và biên soạn 2 tiết mục “Ngày mùa” (đối cuộc), “Anh đi câu cá và o bán hến” (hát đối nam nữ). Để đảm bảo tính cổ cho các tiết mục, tôi phải nghiên cứu kỹ lưỡng về đề tài và tập quán sinh hoạt xưa của nhân dân. Thêm vào đó, thu thập các thành ngữ, các câu ca dao, tục ngữ để soạn lời sao cho vừa hợp chủ đề, vừa toát lên tính thông minh, dí dỏm của cư dân Nghệ Tĩnh xưa”.
Tiết mục hát đối cuộc "Ngày mùa" của CLB xã Phú Gia (Hương Khê - Hà Tĩnh) do nghệ nhân Nguyễn Tiến Khởi soạn lời đã để lại ấn tượng sâu sắc cho khán giả vì đã làm sống dậy không gian sinh hoạt xưa của cha ông qua mỗi câu hát đượm màu cổ xưa.
Từ trên sân khấu Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh lần thứ IV, khán giả có thể thuộc nằm lòng rất nhiều câu hát đượm màu cổ xưa trong những bài ví, giặm, xẩm mới được biên soạn như: “Đến đây hỏi bác thợ cày, 100 gánh lúa mấy tay, mấy gồi – Hai tay úp lại một bàn, 100 gánh lúa sáu nghìn tư tay”, “Đến đây em mới hỏi chàng, ông đồ xứ Nghệ răng lại gọi ông gàn rứa anh”, “Ơ là ai ơi, hỏi o cắt cỏ đã về, cỏ non xanh tót đọt có nặng nề chi lắm không”, “một nong tằm là bao nhiêu nong kén, một nong kén là mấy nén tơ, đồn các anh hay hát hay hò, giừ trả lời cho rọ để ông tơ xe duyên mình”, “Ai làm nên nồi lợ, úp vung nậy không vưa, đậy vung nhỏ nỏ vừa”, “Miếng cau dầm với trù trại, đợi chờ ai mà đá nát vàng phai”, “Đôi ta như thể con tằm, cùng ăn một lá, cùng nằm một nong”, “Bà ru cánh vạc ngang trời, thơm từng giọt nắng, lúa bời bời xanh” v.v…
Nghệ nhân Bảo Phương - CLB xã Nghi Long (Nghi Lộc - Nghệ An) trong tiết mục "Ru đường non nước" được soạn lời mới trên cơ sở sưu tầm lời cổ trong dân gian.
Nghệ nhân Bảo Phương – CLB xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) cho biết: “Điều khiến tôi thích thú nhất khi hát dân ca ví, giặm là được thể hiện những làn điệu cổ. Khi cất lên những câu hát sâu lắng hồn quê, kết tinh trí tuệ của cha ông tôi, mới thấy mình thực sự được sống trong không gian văn hoá của dân ca ví, giặm. Hy vọng rằng, qua mỗi kỳ liên hoan, kho tàng dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh lại có thêm nhiều tác phẩm chất lượng cao được sưu tầm, biên soạn”.
Ngoài những yêu cầu về chủ đề, hình thức thể hiện, yêu cầu về cấu trúc chương trình với thời lượng 50% mang yếu tố nguyên gốc trong giai điệu và tính cổ trong lời mới là cơ hội để các nghệ nhân thể hiện tài năng trong sưu tầm và biên soạn lời cổ cho các làn điệu dân ca ví giặm. Qua đó cũng nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản của các nghệ nhân và đông đảo nhân dân.