Đường 9 xuất phát từ thành phố Đông Hà đến Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo chưa đầy 80 cây số. Những địa danh nổi tiếng một thời như Khe Sanh, Tà Cơn, Làng Vây rồi qua bên kia biên giới với những cái tên Bản Đông, Sê Pôn, Mường Phìn, Sa-vẳn-na-khệt... Hôm nay, hai bên đường đã là những ngôi làng trù phú. Con đường rải thảm ngút ngát và những cánh rừng dưới cỏ là dấu tích một thời cực kỳ oanh liệt.
Quân giải phóng tiến lên chiếm các mục tiêu của địch tại Khe Sanh (Ảnh tư liệu)
Nơi đây từng là chiến trường ác liệt nhất Đông Dương. Các tài liệu của đối phương thừa nhận rằng, trận đánh diễn ra trong 77 ngày từ tháng 1 đến tháng 4/1968 đánh dấu sự cáo chung của hàng rào điện tử Mắc-na-ma-ra và tại Khe Sanh, lần đầu tiên, quân đội Hoa Kỳ phải trút bỏ một căn cứ quân sự trọng yếu. Vì vậy, chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh được người Mỹ cho là “Trận Điện Biên Phủ thứ 2” đã làm thay đổi cục diện chiến tranh Việt Nam của đế quốc Mỹ.
Ông Nguyễn Viết Minh - Phó Trưởng BQL Khu di tích Đường 9, Sân bay Tà Cơn, Khe Sanh cho biết: “Được sự quan tâm của cấp trên và nỗ lực của toàn đơn vị, dần dần, các hiện vật hình khối lớn như máy bay, xe tăng được đưa về. Rồi công tác trùng tu, tôn tạo được tiến hành, công tác thuyết minh và bảo vệ cũng ngày càng đi vào quy củ. Chúng tôi đã đón khá nhiều đối tượng khách nước ngoài, trong đó, khách châu Âu và khách Mỹ cũng chiếm ưu thế và đặc biệt, CCB Mỹ cũng mong muốn quay lại chiến trường xưa. Nhìn vào những hiện vật mang ý nghĩa chứng tích chiến tranh được lưu giữ tại đây, cho đến bây giờ, các cựu binh Mỹ, các nhà khoa học vẫn chưa thể giải mã hết câu hỏi: Vì sao người Mỹ lại thất bại ở nơi này”?
Di tích Tà Cơn (Ảnh tư liệu)
Từ Cửa khẩu Lao Bảo qua Lào gọi là Cửa khẩu Đen-sa-vẳn, ta gặp lại những địa danh quen thuộc như Bản Đông, Sê Pôn, Mường Phìn, Mường Nọng, rồi điểm cuối của con đường là thị xã Cay-sỏn Phôm-vi-hản, thủ phủ tỉnh Sa-vẳn-na-khệt, dài 180 cây số. Tuyến đường này được coi là nhánh chính và rất quan trọng của đường mòn Hồ Chí Minh ở Tây Trường Sơn.
Thời kỳ đó, Sê Pôn, Bản Đông, Mường Phìn, Mường Nọng là chiến trường ác liệt nhất trên đất Lào. Một tài liệu mới nhất mà Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào công bố vào năm 2014 cho rằng, đường Hồ Chí Minh trên đất Lào nối với Đường 9, có hơn 20 nhánh, gồm cả đường bộ, đường thủy và đường giao liên, dài hơn 20.000 km, qua 7 tỉnh của Lào.
Trong suốt quãng thời gian 16 năm (từ 1959-1975), đường Hồ Chí Minh trên đất Lào đã phục vụ vận chuyển gần 1,2 triệu tấn lương thực và vũ khí đạn dược, phục vụ chiến trường 3 nước Đông Dương; đã hứng chịu hơn 11.000 trận đánh phá của địch với hơn 3 triệu tấn bom mìn dội xuống, làm 19.800 người chết, 40.000 người bị thương; 14.540 phương tiện bị phá hủy; hơn 90.000 ha ruộng nương, vườn tược của dân bị phá hoại. Quân và dân Lào đã phối hợp với quân tình nguyện Việt Nam bắn rơi 2.455 máy bay các loại; đánh lui gần 1.300 trận tấn công của địch.
Tượng đài chiến thắng Khe Sanh (Ảnh tư liệu)
Ông Bun-tả Nit-tha (Bountanitha), Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Sa-vẳn-na-khệt cho rằng, chính vì thế, Đường 9 luôn là đỉnh cao của biểu tượng về ý chí kiên cường, bất khuất và tình đoàn kết đặc biệt của quân và dân 2 nước Việt - Lào. Ông nói: “Những hình ảnh anh lính quân tình nguyện Việt Nam vẫn còn in đậm trong trái tim nhân dân Lào chúng tôi. Các anh đã đi từ Bắc chí Nam qua đường Hồ Chí Minh trên đất Lào để vào giải phóng miền Nam Việt Nam. Đó là con đường huyết mạch qua dãy Trường Sơn của Lào và Việt Nam vì sự nghiệp giải phóng đất nước của Lào cũng như giải phóng miền Nam Việt Nam”.
Nghĩa trang liệt sỹ đường 9 (Ảnh tư liệu)
Ông Khăm-mạt Na-vông-pha-chẳn, Bí thư kiêm Chủ tịch huyện Mường Phìn, tỉnh Sa-vẳn-na-khệt, huyện nằm trên tuyến Đường 9, chia sẻ: Ông đang đề xuất Trung ương Lào cho xây dựng một cột mốc về dấu tích đường Hồ Chí Minh ở Tây Trường Sơn tại Mường Phìn.
“Nếu như không có đường Hồ Chí Minh, không có con đường của lực lượng cách mạng Việt Nam và Lào trải dài qua các huyện Mường Phìn, Sê Pôn, Mường Nọng của chúng tôi để xuyên xuống tới tận các tỉnh Nam Lào và miền Nam Việt Nam thì công cuộc giải phóng của chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bởi vì chúng ta không chỉ vận chuyển nhân lực, mà còn vận chuyển cả xe tăng, ô tô chở lương thực, vật tư thiết bị và các nhu yếu phẩm. Chính đường Hồ Chí Minh đã giúp chúng ta tiến vào phía Nam nhanh hơn và thắng lợi cũng nhanh hơn” - ông Khăm-mạt - Chủ tịch huyện nói.
Những chứng tích lịch sử vẫn còn đó để nhắc nhớ các thế hệ mãi khắc ghi về những mất mát hy sinh mà cha ông đã trải qua, nhắc nhớ về một mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào mà không có quốc gia nào trên thế giới có được. Đó là mối quan hệ mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.