Giá thịt lợn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khiến nhiều thực phẩm phục vụ thị trường Tết giữ mức giá cao kỷ lục.
Khảo sát trên thị trường, tại thời điểm này, nhiều địa chỉ niêm yết giá bán cho bánh chưng đặt riêng vào dịp Tết ở mức 50 – 70.000 đồng/chiếc tuỳ lượng nguyên liệu làm nhân và loại nếp sử dụng để gói bánh. Nếu so với thời điểm cách đây hơn 1 tháng thì mức giá hiện tại đã chênh lệch ít nhất 10.000 đồng/chiếc.
Theo nghề làm bánh chưng đã nhiều năm nay, chị Nguyễn Thị Nam (TP. Hà Tĩnh) cho biết: Giá thịt lợn tăng cao khiến nhiều cơ sở gói bánh chưng lo lắng nên năm nay hầu hết không dám nhận đơn sớm như mọi năm vì không căn được giá và sợ nhu cầu thị trường giảm mạnh. Hiện, giá ba chỉ ngon để làm bánh đang mức 160.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với năm ngoái, người làm nghề cũng phải chấp nhận “nhảy” theo giá thị trường thôi.
Nhiều tài khoảng facebook tại Hà Tĩnh đã bắt đầu nhận đặt làm bánh chưng dịp tết.
“Càng cận ngày cao điểm gói bánh tết, tôi thường xuyên theo dõi xem giá cả thịt lợn biến động thế nào để biết mà cân đối làm sao cho phù hợp để vừa có lợi nhuận mà vẫn giữ được khách. Thời điểm này, bánh chưng đặt có giá khoảng 50 – 60.000 đồng/chiếc, tăng 15.000 đồng so với cách đây độ 1 tháng” chị Nam cho biết thêm.
Giá bán bánh chưng tại thời điểm này mà các cơ sở báo cho khách lẻ đang phổ biến ở mức 50 – 70.000 đồng/chiếc tuỳ nguyên liệu.
Chị Trần Thị Mai - hộ chuyên kinh doanh bánh chưng tại thị trấn Nghèn (Can Lộc) cho hay: “Dịp này ai đã đặt bánh từ trước thì tôi sẽ gọi điện để chốt lại giá rồi mới đặt cơ sở làm số lượng cụ thể. Với lại sát Tết, nhu cầu của người dân tiếp tục tăng cao vì đây là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ nên giá bán ra khả năng cao sẽ “nhích” lên nữa. Đúng là làm khó cho cả người bán lẫn người mua”.
Không chỉ bánh chưng mà giò, chả, nem - những món ăn “quốc dân” ngày Tết tại thị trường Hà Tĩnh đã chạm mức giá “khủng”, phổ biến từ 160 – 170.000 đồng/kg.
Giò chả tại thời điểm hiện tại cũng đang giữ mức giá cao, khiến nhiều người tiêu dùng phải “đau đầu”.
Chị Trần Thị Huệ - chủ cơ sở làm giò chả ở chợ TP Hà Tĩnh chia sẻ: “Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, mới thấy giá một cân thịt lợn nạc – nguyên liệu chính để làm giò lụa truyền thống của gia đình nhảy lên 160.000 đồng/cân, bất đắc dĩ cơ sở cũng phải tăng giá bán lên thôi. Năm nay, chắc là lượng giò bán ra sẽ giảm nhiều vì giá quá cao thì người tiêu dùng sẽ cân nhắc, cắt giảm chi tiêu nên chúng tôi cũng không dám “mạnh tay” sản xuất số lượng lớn”.
Thịt nạc đang duy trì mức giá 160.000 đồng/cân tại các chợ dân sinh của Hà Tĩnh.
Các thực phẩm chính ngày Tết có giá cao “ngất ngưởng” khiến nhiều người tiêu dùng phải “đau đầu” cân nhắc chi tiêu trong gia đình dịp cuối năm.
Chị Trần Thị Thu (phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Thịt thì chưa có dấu hiệu giảm nhiệt nhiều trong lúc ngày Tết đang đến gần mà đây lại nguyên liệu chính cho hầu hết các bữa ăn truyền thống như: bánh chưng, giò chả, thịt hầm, nem... Tôi lo sợ Tết này mình phải tốn khá nhiều tiền chợ rồi”.
Dịp cuối năm, nhiều thứ phải chi tiêu, nhu cầu tiêu dùng lớn nên các thực phẩm có mức giá cao đang khiến nhiều người phải tính toán chi li hơn.
Với gia đình có thu nhập trung bình, điệp khúc tăng giá đang trở thành nỗi lo thường trực vì cùng lúc có nhiều thứ cần phải chi tiêu, mua sắm. Bà Nguyễn Thị Lam (Xuân Lộc, Can Lộc) bày tỏ: “Giờ giá thịt lợn tăng gấp đôi, nhiều cái khác cũng đắt đỏ trong khi thu nhập của mình vẫn thế nên bắt buộc phải thắt chặt chi tiêu, mua ít hơn năm ngoái thôi. Bánh chưng thì mình có khi chung với mấy nhà khác trong xóm để gói cho nó rẻ hơn”.
Theo nhận định của các tiểu thương kinh doanh giò chả, bánh chưng tại các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh như: Chợ Cầu Đông, chợ Vườn Ươm (TP Hà Tĩnh), chợ Nghèn (thị trấn Nghèn)… thì các sản phẩm này sẽ tiếp tục “nhảy” giá vào thời điểm áp Tết, bởi khi đó nhu cầu tiêu thụ của thị trường tăng cao.