Giá xăng, dầu tăng liên tiếp trong nhiều kỳ điều chỉnh gần đây.
Giá xăng, dầu đã tăng liên tiếp trong 6 kỳ điều chỉnh gần đây và trong kỳ điều chỉnh mới nhất (ngày 11/9), giá xăng không thay đổi nhưng giá dầu vẫn tiếp tục tăng thêm 370 – 410 đồng/lít. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 26 lần điều chỉnh, trong đó có 15 lần tăng, 7 lần giảm và 4 lần giữ nguyên. Theo đó, mức giá xăng, dầu tại Hà Tĩnh hiện nay là: xăng RON 95-III giá 25.360 đồng/lít; xăng E5 RON 92-II giá 23.930 đồng/lít; dầu Diesel 0.001S-V giá 24.380 đồng/lít; dầu Diesel 0.05S-II giá 23.510 đồng/lít. |
Giá xăng dầu liên tục tăng cao đã tạo thêm gánh nặng đối với người dân. Chị Trần Thị Phượng (xã Thạch Liên, Thạch Hà) cho biết: Dù hiện nay không phải mức giá cao đỉnh điểm, tuy nhiên, giá xăng tăng liên tiếp đã đẩy chi phí sinh hoạt của gia đình tăng theo. Hằng ngày, 2 vợ chồng tôi sử dụng 2 xe máy, tổng quãng đường di chuyển mỗi ngày khoảng 50km nên tiền xăng xe cũng “đội” lên đáng kể. Chúng tôi cũng lo ngại giá xăng dầu tăng còn dễ khiến giá cả các mặt hàng khác cũng tăng theo thì người tiêu dùng lại càng chật vật”.
Đối với bà con ngư dân, tiền dầu chiếm phần lớn chi phí mỗi chuyến ra khơi đánh bắt hải sản. Do đó, mỗi kỳ điều chỉnh tăng giá là áp lực rất lớn.
Ngư dân Phan Hữu Phú (thôn Xuân Phượng, Thạch Kim, Lộc Hà) sở hữu tàu cá công suất 40CV, chuyên đánh bắt vùng biển từ 40 hải lý trở vào. “Mỗi chuyến chúng tôi đi biển kéo dài từ 5 - 7 ngày. So với 6 tháng trước, bây giờ mỗi chuyến ra khơi tiền dầu “đội” lên khoảng 2 triệu đồng. Giá dầu tăng trong khi sản lượng hải sản khai thác giảm 30% và giá bán không tăng nên nhiều chuyến đi chỉ đủ bù chi phí, thậm chí có chuyến lỗ" - ông Phú cho hay.
Sản lượng đánh bắt bấp bênh trong khi giá dầu neo ở mức cao gây khó cho ngư dân.
Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp xây dựng, doanh nghiệp vận tải, giá xăng dầu tăng cao đã tác động làm tăng giá thành sản xuất, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.
Anh Hồ Quốc Giáp - Quản lý nhà xe Quốc Tuấn (TP Hà Tĩnh) cho hay: "Chúng tôi chuyên chạy đường dài tuyến Hà Tĩnh - Hải Phòng và ngược lại, mỗi ngày 16 chuyến. Xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí đầu vào của hoạt động vận tải nên nhiên liệu này liên tục tăng giá và neo ở mức cao gây khó khăn cho hoạt động của nhà xe. So với thời điểm đầu năm, hiện nay mỗi chuyến đi phát sinh chi phí thêm 1 triệu đồng do tiền dầu tăng".
Chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí đầu vào, giá xăng, dầu tăng là gánh nặng với doanh nghiệp vận tải.
Với đặc thù doanh nghiệp xây dựng, phải sử dụng nhiều loại máy móc trong quá trình thi công công trình, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Linh (Thạch Hà) cũng đang bị áp lực xăng dầu tăng giá “đè nặng”.
Ông Hồ Ngọc Tuấn - Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Linh cho biết: “Hiện nay công ty đang thi công 5 công trình trên địa bàn tỉnh, sử dụng hơn 10 loại phương tiện như máy lu, máy ủi, máy xúc… Do đó, giá dầu tăng liên tiếp là áp lực lớn đối với doanh nghiệp bởi không chỉ làm tăng chi phí nhiên liệu mà còn tác động làm tăng chi phí vận chuyển và giá các nguyên vật liệu xây dựng khác”.
Phải sử dụng nhiều máy móc để thi công, giá nhiên liệu neo ở mức cao gây khó khăn cho Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Linh.
Trước biến động giá xăng, dầu theo xu hướng tăng, điều mà người dân, doanh nghiệp mong muốn hiện nay là giá cả các mặt hàng khác ổn định, không bị “tát nước theo mưa” theo giá mặt hàng nhiên liệu thiết yếu này.