Chiều 11/11, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hà Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu, Giám đốc Sở KH&CN Đỗ Khoa Văn chủ trì hội thảo khoa học góp ý bản thảo cuốn sách “Lịch sử hoạt động Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh (1959-2020)”. |
Thực hiện kế hoạch biên soạn cuốn sách, đến nay, Ban Biên soạn (Sở KH&CN chủ trì) đã cơ bản hoàn thành bản thảo (tái bản và bổ sung).
Cuốn sách được soạn dựa trên cuốn “Lịch sử hoạt động Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh” xuất bản bản năm 2004; đồng thời tiếp tục hoàn chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn và cập nhật, viết lại một số nội dung.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Tình - nguyên Giám đốc Sở KH&CN Hà Tĩnh nhất trí với phần bố cục của bản thảo và đánh giá cao những nội dung mới súc tích, đầy đủ, phản ánh sự phát triển của ngành KH&CN qua các giai đoạn.
Cuốn sách gồm 3 phần, 5 chương. Nội dung tập trung đánh giá quá trình hoạt động và những đóng góp của ngành KH&CN Hà Tĩnh đối với sự phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị qua từng giai đoạn, nhất là sau 30 năm tái lập tỉnh.
Đến nay, Ban Biên soạn cuốn sách đã nhiều lần gửi bản thảo cho các sở, ngành, địa phương và lãnh đạo Sở KH&CN qua các thời kỳ góp ý, bổ sung.
Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các hội KHKT Hà Tĩnh Thái Sơn: Ban Biên soạn cần cập nhật lại một số số liệu trong nội dung để đảm bảo chính xác.
Tại hội thảo, các đại biểu cơ bản đồng tình về tên gọi, bố cục và các nội dung được đề cập trong cuốn sách; đồng thời góp ý cụ thể một số nội dung trong các phần, các chương.
Nhiều ý kiến cho rằng: Với tư liệu phong phú, cuốn sách sẽ giúp cho các cơ quan nghiên cứu và đội ngũ cán bộ trong và ngoài ngành KH&CN tham khảo, vận dụng trong quá trình hoạt động, học tập và công tác. Vì vậy, cần tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp. Bên cạnh đó, cần cân đối hình ảnh giữa các chương, mục, quan tâm sưu tầm hình ảnh tư liệu từ các thời kỳ trước…
Phát biểu tại hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Văn Hùng đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Ban Biên soạn; góp ý tâm huyết của các đại biểu và cơ bản đồng tình với bản thảo cuốn sách.
Phân tích thêm một số nội dung, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng: cần nhấn mạnh những đóng góp của ngành KH&CN theo từng mốc thời gian, từng giai đoạn phát triển của tỉnh để thấy được vai trò của KH&CN đối với sản xuất, đời sống người dân. Nên lựa chọn những dấu ấn của từng giai đoạn để nhấn mạnh trong các chương nhằm hấp dẫn người đọc.
Bên cạnh đó, cần đánh giá trung thực, khách quan về hạn chế của ngành, chỉ rõ bài học kinh nghiệm để có những giải pháp trọng tâm đưa ngành KH&CN Hà Tĩnh tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đề nghị Ban Biên soạn tiếp tục xin ý kiến góp ý của các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan để hoàn thiện nội dung. Ban Tuyên giáo sẽ tiếp tục đồng hành trong quá trình hoàn thiện cuốn sách.